Xã hội

Cuộc trùng phùng đặc biệt sau 20 năm của cựu tù và cán bộ quản giáo

Admin

Nghỉ hưu, ông Túy gắn bó với công việc chụp ảnh dạo ở hồ Gươm (Hà Nội). Tại đây, thợ ảnh này đã có cuộc trùng phùng đầy bất ngờ với người quen cũ.

Từ khi còn làm cán bộ quản giáo, công tác tại trại giam ở Hà Nội, ông Vũ Hữu Túy (SN 1949 - Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có niềm đam mê với nhiếp ảnh.

Sau khi xin về hưu sớm, có nhiều thời gian hơn ông tham gia vào câu lạc bộ nhiếp ảnh. Tại đây, ông có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với những người có chung sở thích.

 Thợ ảnh Vũ Hữu Túy gắn bó gần 30 năm với bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Diên Vỹ

Nhờ người bạn trong nhóm hướng dẫn, năm 1993 ông bắt đầu gắn bó với hồ Gươm trong vai trò thợ ảnh dạo.

Đến nay, sau hơn 20 năm ông đã chụp hàng trăm tấm ảnh cho nhiều du khách từ các tỉnh thành về Hà Nội thăm quan, du lịch.

Ông Túy hồ hởi nói về công việc của mình: “Tôi làm nghề chụp ảnh kỷ niệm cho du khách, kiếm thêm thu nhập. Đôi khi, tôi cũng kết hợp chụp phong cảnh, tham gia các hội trại sáng tác ảnh... Ngày nào tôi cũng ra bờ hồ từ 7 giờ đến 8 giờ tối mới về nhà".

Theo ông Túy, năm 1993 trở về trước là thời kỳ hoàng kim của nghề chụp ảnh dạo. Ngày đó máy ảnh khan hiếm, đắt đỏ, toàn bộ là máy chụp bằng phim nên nghề này có thu nhập tương đối tốt.

Khi ấy, bất kể du khách nào đến thăm hồ Gươm cũng đều muốn lưu lại tấm ảnh làm kỷ niệm. Giá 1 tấm ảnh là 5 nghìn đồng. Bờ hồ thời đó có khoảng 200 thợ ảnh nhưng chẳng lúc nào thiếu việc. Một ngày ông thu nhập khoảng vài trăm nghìn đồng.

Vào dịp lễ, Tết, giáng sinh… nhu cầu chụp ảnh tăng cao, có những ngày ông và các đồng nghiệp phải làm việc liên tục từ 5 giờ sáng đến khuya.

Tuy nhiên thợ ảnh Túy thở dài, bộc lộ vẻ tiếc nuối khi nghề chụp ảnh dạo đang dần thoái trào.

“Bây giờ cuộc sống khá giả, ai cũng có điều kiện mua điện thoại thông minh, máy chụp hình kỹ thuật số. Trong đó cũng tích hợp nhiều phần mềm chỉnh sửa ảnh, dễ sử dụng.

Khi đi du lịch, họ tự chụp bằng máy của mình, chẳng cần đến thợ ảnh nữa. Một ngày chúng tôi lang thang, chào mời mỏi miệng, chắc cũng được 2, 3 khách.

Thu nhập của thợ ảnh giờ cũng bấp bênh hơn. Trước đây, 1 người chụp ảnh dạo có thể nuôi được cả gia đình nhưng giờ nhiều người phải bỏ nghề hoặc đi làm thêm công việc khác mới đủ duy trì cuộc sống” - ông Túy nói.

Thợ ảnh sinh năm 1949 chia sẻ thêm, công việc chụp ảnh dạo không vất vả hay phải lao động nặng nhọc, tuy nhiên các thợ ảnh phải làm quen vơi việc dầm mưa dãi nắng ngoài trời.

Hiện tại bờ hồ Hoàn Kiếm chỉ còn khoảng vài chục thợ ảnh. Nhiều người chấp nhận bán máy, chuyển công việc khác như công nhân, xe ôm, bán hàng nước... mưu sinh.

Mặc dù nghề đang rơi vào giai đoạn khó khăn nhưng thợ ảnh Túy khẳng định ngày nào còn sức khỏe ông vẫn quyết bám trụ với nó.

Kể về những khó khăn, nhiếp ảnh gia 70 tuổi cho hay, việc các thợ ảnh bị khách quỵt tiền, chê ảnh xấu, chụp xong không lấy là chuyện diễn ra như cơm bữa.

Ngoài ra, các thợ ảnh còn gặp phải trường hợp khách hàng chụp xong vì lý do nào đó mà không quay lại lấy.

“Trước đây, người ta vẫn cho bày các tấm bảng gỗ, treo ảnh chụp nhằm quảng cáo tay nghề của thợ ảnh ở khu vực cầu Thê Húc. Tôi nhớ có lần mình chụp cho một người đàn ông lớn tuổi. Vị khách này từ Nghệ An ra Hà Nội chơi”, thợ ảnh Túy kể.

Người khách ấy chỉ chụp đúng một kiểu rồi hẹn hôm sau lấy. Ảnh rửa xong, ông Túy đợi mãi vẫn không thấy khách quay lại nên đính vào bảng.

Bẵng đi 4 năm sau, một nam thanh niên đưa bạn gái đi chơi. Đến tấm bảng gỗ, cậu ta dừng lại khá lâu, khẽ đưa tay quệt nước mắt.

Cậu thanh niên đề nghị ông bán bức ảnh của vị khách kia cho mình. Ông Túy thấy lạ bởi người ta chỉ hỏi mua ảnh phong cảnh hồ Gươm, tháp Rùa chứ chưa ai hỏi mua ảnh chụp người như vậy.

Người này lúc đó mới thổ lộ vị khách trong ảnh là cha mình. Trong lần đưa con trai ra Thủ đô nhập học, ông đi chơi, lên cơn đột quỵ rồi qua đời.

Ông Túy chia sẻ mình cảm thấy tiếc nuối khi nghề chụp ảnh dạo đang dần thoái trào. Ảnh: Diên Vỹ.

Thợ ảnh Túy cũng tâm sự nhờ nghề này ông từng có những cuộc trùng phùng đặc biệt. Trong đó phải kể đến lần ông gặp một cựu tù nhân mình quản lý khi còn làm ở trại giam.

“Những năm 70 của thế kỷ trước, người này có cuộc sống vất vưởng, lang thang, nhiều lần vào tù ra tội.

Trong lần đi cướp giật, bị bắt và kết án, anh ta được giam tại nhà tù nơi tôi làm quản giáo. Ngoài xã hội anh ta là người hung hãn, manh động nhưng vào tù anh ta tỏ ra khép nép, gặp cán bộ quản giáo bao giờ cũng lễ phép” - ông Túy kể tiếp.

Thấy phạm nhân vui tính, nói chuyện khá thông minh nên ông Túy chú ý. Nhiều lần trò chuyện, ông được biết anh ta có hoàn cảnh khó khăn, là người lương thiện chỉ vì cuộc đời đưa đẩy nên mới rơi vào vòng lao lý.

Ở nhà anh ta còn một người cha già sống một mình. Tết năm đó, ông Túy ghé nhà thăm cha của phạm nhân, một ông cụ bệnh tật, mù lòa sống trong căn nhà lụp xụp.

Phạm nhân sau khi nghe quản giáo kể về tình hình của cha đã lặng người đi, đôi mắt đỏ hoe. Ông động viên anh ta cải tạo tốt, sớm làm lại cuộc đời.

Nhờ cải tạo tốt, phạm nhân đó được ân xá trước thời hạn. Từ đó, ông Túy cũng mất liên lạc với người này.

Năm 2014, ông Túy đang chụp ảnh cho khách thì có người đàn ông tiến đến hỏi thăm. Họ nhìn nhau, ngờ ngợ trong giây lát rồi bất chợt reo lên mừng rỡ. Người đó chính là phạm nhân năm nào.

Ông ta nói, sau khi ra tù đã quyết tâm từ bỏ con đường cũ, vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, trồng cà phê. Hiện giờ kinh tế ổn định, con cái trưởng thành nên ông đưa vợ ra ngoài Bắc sống an hưởng tuổi già.

Sau cuộc gặp mặt bất ngờ đó, thỉnh thoảng, ông Túy và người này vẫn liên hệ gặp gỡ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

“Nếu tôi về hưu, ở nhà với vui thú điền viên, chắc chẳng bao giờ có những cuộc gặp gỡ ý nghĩa đến vậy”, người thợ ảnh già trầm ngâm nói.