Cuộc sống

Cưới vợ thông minh có sinh ra con thông minh?

Lợi Trần

Một nghiên cứu của Anh cho rằng gene thông minh tập trung trên nhiễm sắc thể X. Nữ giới có 2 nhiễm sắc thể X còn nam chỉ có một, nên trí thông minh của người mẹ quan trọng trong di truyền cho con.


 Ảnh minh họa: science.


Tạp chí Nature Review Genetics của Anh mới đăng tải một báo cáo mang tên “Tác động của nhiễm sắc thể X đến trí thông minh” chỉ ra trong gần 1.000 gene mã hóa protein trên nhiễm sắc thể X, có ít nhất 40% biểu hiện trong não. Tỷ lệ này cao hơn nhiễm sắc thể thường và cao hơn nhiều so với nhiễm sắc thể Y, nghĩa là nhiễm sắc thể X có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và trí thông minh của não bộ đứa trẻ.

Từ kết quả này, nhiều trang mạng lan truyền thông điệp: Cưới một người vợ thông minh, đứa trẻ sinh ra sẽ thông minh. Nhiều người lập luận rằng gene thông minh của con người chủ yếu tập trung trên nhiễm sắc thể X, nữ giới có 2 nhiễm sắc thể này, trong khi nam chỉ có một. Do đó trí thông minh của người mẹ chiếm vị trí quan trọng trong di truyền sang con. Đặc biệt các bé trai chịu ảnh hưởng hoàn toàn bởi trí thông minh của người mẹ.

Tuy nhiên, theo một điều tra của các nhà khoa học Mỹ, mối tương quan trí thông minh giữa mẹ và con so với tương quan trí thông minh giữa bố và con chênh lệch chưa tới 10%. Tỷ lệ này không đủ để khẳng định trí thông minh của người mẹ có ảnh hưởng vượt trội lên con cái.

Tang Yi Yuan, giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ cho biết các đặc điểm di truyền của con người do nhiều nhiễm sắc thể kết hợp với nhau tạo thành chứ không chỉ quy cho một nhiễm sắc thể nào đó. "Con người tự bản thân là một hệ thống hoàn chỉnh, rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hệ thống đó. Gene chỉ là một yếu tố", ông này nói. Ngoài ra trí thông mình còn được ảnh hưởng bởi môi trường, hành vi và kinh nghiệm con người có được. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Vì vậy, gene chỉ tác động đến trí thông minh ở góc độ thuần sinh lý, còn có thể phát huy hay không còn phải tùy thuộc vào môi trường và sự bồi dưỡng sau này".

Wang Li công tác tại Sở nghiên cứu Tâm lý học, Viện Khoa học Trung Quốc, cũng phản bác, gene là vật chất chủ yếu của biến dị di truyền, cần thông qua chỉ đạo kết hợp các protein mã hóa để kiểm soát hoạt động của não. Do vậy lập luận gene có tính quyết định trí thông minh là sai, bởi vì môi trường phát triển tác động quan trọng đến trí tuệ của trẻ. Hơn nữa việc phân chia và di truyền các gene là một quá trình rất phức tạp, trong đó trẻ em kế thừa gene của cả cha và mẹ với tính ngẫu nhiên nhất định, vì vậy sinh ra thiên tài cũng như “một bài toán xác suất” vậy.

Theo các nhà khoa học, ảnh hưởng của di truyền lên trí thông minh chiếm khoảng một nửa, nửa còn lại là do môi trường. Trong cuộc sống hằng ngày, ảnh hưởng của người mẹ đến đứa trẻ có thể lớn hơn cha vì mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Mẹ có trình độ học vấn cao sẽ đem lại cho trẻ nền giáo dục gia đình ưu việt. Góc độ sinh lý, ở một số vùng sâu vùng xa, phụ nữ thường có trình độ giáo dục không cao, lại kết hôn quá sớm khi cơ thể chưa trưởng thành hoàn chỉnh (như xương và các mô). Người mẹ sinh con khi còn quá trẻ dễ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi như thiếu máu, suy dinh dưỡng, tác động đến trí thông minh của trẻ.

Tóm lại, các yếu tố ảnh hưởng đến sự thông minh rất phức tạp. Xét riêng từ góc độ di truyền, nhiễm sắc thể phân chia thế nào cũng là một bí ẩn. Đa phần các nhà khoa học thống nhất rằng: Yếu tố ảnh hưởng đến trí thông minh có cả bẩm sinh lẫn môi trường. Với câu hỏi "Yếu tố nào chiếm ưu thế?", đến nay chưa ai có thể khẳng định và chứng minh một cách thuyết phục được.