Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca được giảm 3 năm tù so với bản án tuyên tại phiên sơ thẩm. Ảnh: Tuệ Nhi
Sau nửa ngày mở phiên toà phúc thẩm, lúc 12 giờ 15 ngày 26/6, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra bản án đối với cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và 5 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Căn cứ diễn biến phiên toà và các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Đỗ Hữu Ca 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", giảm 3 năm so với mức án tuyên tại phiên sơ thẩm.
Trùm mua bán hoá đơn Trương Xuân Đước mức án 2 năm tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", 5 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt là 7 năm tù, giảm 2 năm so với mức án sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) nhận mức án 1 năm 3 tháng tù tội "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", 2 năm tù tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt 3 năm 3 tháng tù, giảm 1 năm 3 tháng so với bản án sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Đình Đương - cựu Chi Cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng) bị tuyên 5 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Hội đồng xét xử cũng tuyên bị cáo Đặng Khắc Thành (cháu họ Trương Xuân Đước) 15 tháng tù và Hà Thị Bích Nhàn (kế toán của Đước) mức án 12 tháng 5 ngày về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước". Bị cáo Nhàn được thả tự do ngay tại toà.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca tới phiên toà phúc thẩm ngày 26/6. Ảnh: Tuệ Nhi
Tại phiên tòa, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Hữu Ca tỏ ra rất ân hận và gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, ngành công an vì đã không thực hiện được lời thề trước Đảng, Nhà nước. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi các cơ quan pháp luật, xin lỗi toàn thể chính quyền, nhân dân Hải Phòng.
Ông Đỗ Hữu Ca cũng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để về chữa bệnh vì giờ tuổi cao, nhiều bệnh tật và để giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Ông Đỗ Hữu Ca cũng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để về chữa bệnh. Ảnh: Tuệ Nhi
Theo kết quả điều tra, Trương Xuân Đước và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh quản lý, điều hành Công ty Cổ phần Khánh Dung chuyên hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Nguyễn Thị Ngọc Anh có vai trò là Kế toán trưởng của Công ty và được Trương Xuân Đước giao nhiệm vụ quản lý bộ phận kế toán kê khai báo cáo thuế, hợp thức hóa hồ sơ và làm các thủ tục thành lập các công ty.
Từ năm 2014-2021, vợ chồng Trương Xuân Đước đã sử dụng căn cước công dân của mình và nhiều người thân quen, bạn bè hoặc nhân viên để thành lập thêm 26 công ty chuyên hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Vào khoảng tháng 10/2022, vợ chồng Đước biết tin Trương Văn Nam (là cháu của Trương Xuân Đước) bị Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt, khám xét liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Lo sợ cơ quan Công an sẽ điều tra, xác minh về công ty của vợ chồng mình đang quản lý, điều hành, Trương Xuân Đước đã bỏ trốn và chỉ đạo vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng (đã nghỉ hưu), ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và là người có mối quan hệ thân thiết với Đước để nhờ chạy tội.
Sau đó, vợ của Đước là Nguyễn Thị Ngọc Anh đến nhà ông Đỗ Hữu Ca thông báo sự việc và nhờ ông Ca tìm hiểu, tác động chạy án cho Đước, mọi chi phí sẽ chuẩn bị theo yêu cầu của ông Ca. Qua trao đổi, ông Đỗ Hữu Ca biết doanh số bán ra của Công ty Thái Bình Dương (một trong những công ty do vợ chồng Đước quản lý) khoảng 200 tỉ đồng, mặc dù không làm việc gì để lo chạy tội cho Đước song ông Ca vẫn bảo vợ chồng Ngọc Anh chuẩn bị số tiền là 10% doanh thu bán ra của (tương đương 20 tỉ đồng) và một số tiền "tiêu cực phí" khác để lo chạy tội.
Từ cuối tháng 10/2022 đến khoảng tháng 12/2022, vợ chồng Đước 4 lần đến gặp và đưa tổng cộng 35 tỉ đồng cho ông Đỗ Hữu Ca tại nhà ở thôn Trại Trên - Đồng Phản, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tại cơ quan điều tra, ông Đỗ Hữu Ca khai đã nhận tiền của vợ chồng Đước nhưng không hoặc chưa tác động đến cá nhân hay cơ quan chức năng nào để "chạy án". Ông Đỗ Hữu Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền 35 tỉ đồng cho cơ quan Công an.
Ngày 10/4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử sơ thẩm ông Đỗ Hữu Ca - cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cùng 12 bị cáo liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Ngày 12/4 Hội đồng xét xử tuyên án. Theo đó: Bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trương Xuân Đước lĩnh 2 năm tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" và 7 năm về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt Trương Xuân Đước là 9 năm tù. Nguyễn Thị Ngọc Anh bị tuyên 18 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" và 3 năm tù với tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt 4 năm 6 tháng tù. Nguyễn Đình Đương (cựu Chi Cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải, Hải Phòng) 6 năm 6 tháng tù; Đỗ Thanh Hoài (cựu cán bộ thuế huyện Cát Hải) 4 năm 6 tháng tù với tội "Nhận hối lộ".
Ngoài ra, hai bị cáo này bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Đặng Khắc Thành 18 tháng tù và Hà Thị Bích Nhàn 15 tháng tù cùng về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước". Với 6 bị cáo phạm tội "Trốn thuế", không bị áp dụng hình phạt tù, chỉ phạt hành chính.
Cụ thể bị cáo Đỗ Thị Đua bị phạt 2,5 tỉ đồng; Hà Thị Trang bị phạt 1,5 tỉ đồng; Vũ Ngọc Tú bị phạt 1,2 tỉ đồng; Chu Thị Thu Hiền bị phạt 800 triệu đồng; Nguyễn Hiền Tài bị phạt 350 triệu đồng; Ngô Văn Tuyên bị phạt 300 triệu đồng.