Sáng 17-9, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về Báo cáo kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của QH về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018).
Báo cáo dài 23 trang của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng ký, đánh giá: Chính phủ, Thủ tướng đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 76. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao...
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ. Đáng chú ý, các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt...
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội sau đó, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhận định quá trình tổ chức, rà soát, bình xét hộ nghèo còn hạn chế do tình trạng nể nang hoặc trục lợi chính sách. Kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật còn rất hạn chế và dư luận xã hội, báo chí phản ánh nhiều về các hành vi trục lợi chính sách, sai đối tượng, sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng khó có quy định nào bịt được mọi kẽ hở, tuy nhiên, quan trọng là ở công tác thanh - kiểm tra.
“Dư luận thời gian qua phản ánh rất nhiều về chuyện cán bộ đưa người thân vào đối tượng danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách; hoặc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống không phải hộ nghèo...”- bà Nga nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ cho biết sự thực tình trạng cũng như con số đã xử lý.
Giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trước đây, khi việc xác định, công nhận hộ nghèo thực hiện qua bình xét thì đúng là có hiện tượng “thôi năm nay tôi là hộ nghèo được hưởng thì sang năm nhường cho người khác”.
Tuy nhiên, theo ông Dung, khi chuyển sang xác định hộ nghèo theo tiêu chí, công khai, minh bạch, nhà nào như thế nào, có đáp ứng tiêu chí hay không thì cơ bản đã khắc phục được tình trạng trục lợi như trước đây. Ông Dung cũng khẳng định một số vụ việc báo chí phản ánh thời gian qua chủ yếu ở một số nguồn hỗ trợ chứ không phải trong chương trình này.
“Nhưng có không?- Vẫn có. Ví dụ, một số xã ở Nam Định, Chủ tịch xã cũng cho con cái đi làm con nuôi người khác để hưởng chính sách này. Đã có Chủ tịch xã phải đi tù về chuyện này”- Bộ trưởng Lao động thừa nhận và khẳng định, các trường hợp khi phát hiện đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, không nương tay bất cứ trường hợp nào.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, ở nước ngoài, người nghèo đi nhận trợ cấp thì họ cảm thấy ngại, còn ở ta, dường như người nghèo cảm thấy vinh dự khi họ được gặp, bắt tay lãnh đạo và được tặng quà.
Cũng theo ông Phúc, việc ấn định chỉ tiêu hộ nghèo từ trên xuống dưới khiến việc công nhận hộ nghèo trở nên hình thức, không phản ánh đúng thực tiễn. Tổng thư ký QH đề nghị nên có cách làm khác trong vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn về việc nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng lại có tỉ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới cao hơn các tỉnh miền núi hay tỉnh có điều kiện khó khăn hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn chứng, số hộ nghèo phát sinh trong năm 2017 của tỉnh Thái Bình là 2.506 hộ, trong khi cả tỉnh Lai Châu chỉ có 1.581 hộ. Nam Định có tới 3.738 hộ, trong khi tỉnh Hà Giang chỉ có 2.900 hộ.
“Không thể nào tỉnh đồng bằng sông Hồng tỷ lệ tái nghèo nhiều hơn, hộ nghèo mới phát sinh nhiều hơn các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó một số tỉnh thiên tai rất nhiều như Lai châu, Hà Giang tỉ lệ nghèo phát sinh ít hơn”- bà Ngân nói và cho rằng những con số này phản ánh sự bất hợp lý và đề nghị cần phân tích, đánh giá để có giải pháp chính sách đi đúng đối tượng, đúng mục đích.