Tin địa phương

Phiên tòa cha và con

Admin

Sáng 16-9, TAND Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Phan Viết Dũng (1994, trú tổ 107, P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) về tội “Cố ý gây thương tích”. Đáng nói hơn, bị hại trong vụ án này lại chính là bố ruột của Dũng. Có mặt tại phiên tòa, nhiều người lắc đầu ngao ngán khi nghe đại diện VKSND đọc bản luận tội của nghịch tử chém cha chỉ vì lý do lãng xẹt.

Cụ thể, 16 giờ ngày 9-5, Dũng nhậu với bạn tại nhà của bố mẹ Dũng và mở nhạc to cho rôm rả. Thấy vậy, nên ông Phan Văn Ân (1964, bố của Dũng) đang ngồi bẫy chim trước nhà đi vào nói Dũng mở nhỏ nhạc nhưng Dũng không làm theo. Một lúc sau, ông Ân đi vào vặn nhạc nhỏ lại, rồi nói: “Để ba bẫy chim xong thì mở to mấy cũng được”.

Nói rồi ông đi ra phía trước tiếp tục bẫy chim. Nào ngờ, khi ông vừa quay đi thì Dũng cũng đứng dậy, xuống bếp lấy một con dao dài khoảng 50cm, cán bằng gỗ, lưỡi dao có cạnh sắc nhọn chạy ra chỗ bố đang ngồi, chém một nhát trúng vào tay trái ông Ân. Khi ông Ân bỏ chạy ra đường thì Dũng quay vào đập phá đồ đạc.

 Bị cáo Phan Viết Dũng

Dũng dùng viên gạch 6 lỗ đập vỡ tấm kính của cửa chính và bật quẹt châm lửa đốt chiếc xe máy BKS 76X2-5504 của ông Ân nhưng được mọi người can ngăn và dập lửa. Sau đó, ông Ân được đưa đi cấp cứu.

Qua giám định pháp y, ông Ân bị thương tích 15%; với nhiều vết thương phức tạp ở cẳng tay trái: đứt gân duỗi chung các ngón, gân duỗi dài ngón cái, gân duỗi cổ tay trụ. Sau quá trình điều trị mở rộng vết thương, cắt lọc, khâu nối gân, ông Ân mới dần hồi phục trở lại nhưng động tác khớp cổ tay và gập-duỗi ngón tay vẫn chưa hoàn thiện.

Đến phần xét hỏi, cả phiên tòa lặng đi khi đại diện VKSND đặt những câu hỏi xoắn lòng cho bị cáo: “Ông Ân có phải cha ruột của bị cáo không? Từ bé đến lớn, bị cáo có sống chung với cha đẻ mình không? Bị cáo nghĩ sao khi cha mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng, lớn lên dựng vợ gả chồng cho bị cáo và bây giờ lại tiếp tục cưu mang cả gia đình của bị cáo? Là một người con, đáng lý bị cáo phải biết thương yêu, kính trọng, phụng dưỡng cha mẹ mới tròn đạo lý.

Ngược lại, bị cáo lại có những hành vi bất hiếu, làm xâm hại đến tính mạng và tài sản của cha mẹ, gây nên sự phẫn nộ trong xã hội? Bị cáo có nghĩ mai này khi con cái bị cáo lớn lên, chứng kiến cảnh cha chém ông nội thì lũ trẻ sẽ nghĩ gì? Chúng sẽ trưởng thành như thế nào không?”… Lúc đầu, Dũng còn lí nhí trả lời nhát gừng từng câu hỏi của kiểm sát viên, nhưng càng về sau, Dũng chỉ im lặng và gục đầu trước vành móng ngựa.

Tại phiên tòa hôm ấy có đủ cha mẹ, vợ con của Dũng. Họ đều là những người lao động phổ thông: người phụ hồ, người công nhân, vào những ngày thiếu việc lại lên bãi rác Khánh Sơn nhặt rác. Việc mưu sinh đã đủ khiến cả gia đình phải lam lũ, lo toan đủ bề. Ông Ân không thể nào tưởng tượng sẽ có một ngày phải ra hầu tòa, mà bị cáo lại chính là con trai của mình.

Dù giận, dù đau lòng, nhưng ông vẫn muốn uốn nắn đứa con bất hiếu này và sẵn sàng tha thứ cho con trở về. “Con tôi vì say rượu và nổi nóng không kiểm soát được nên mới làm nên những chuyện như vậy. Mong tòa xem xét giảm nhẹ để con tôi sớm được trở về với gia đình” – ông Ân đứng trước tòa nói lời xin giảm nhẹ mức án cho đứa con lầm lỗi.

Đứng bên cạnh ông Ân, bà Lê Thị Khai (mẹ ruột Dũng) cũng vừa khóc vừa xin tòa giảm nhẹ mức án cho con. Vừa nói, bà vừa nhắm chặt mắt cố nén bớt những giọt nước đang lăn trên gò má nhăn nheo. Tất cả mọi khổ đau, bế tắc đều như hiện rõ hết lên gương mặt người mẹ khi phải chứng kiến con trai và chồng mình phải ra hầu tòa với tư cách là bị cáo và bị hại. Trước những lời của cha mẹ, Dũng lại gục mặt xuống. Có lẽ, khi đến cơ sự này, Dũng có thể hiểu được thế nào là “cá chuối đắm đuối vì con”.

Sau khi xem xét toàn diện, tòa nhận định hành vi của Dũng mang bản chất côn đồ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của chính cha đẻ mình, gây nên phẫn nộ trong xã hội. Tòa tuyên xử bị cáo 48 tháng tù giam, theo Điều 104, Bộ luật Hình sự.