Tin địa phương

Đà Nẵng: Quản lý trạm BTS đảm bảo dung hòa lợi ích cộng đồng

Admin

Việc xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) tại các khu dân cư ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn vì sự phản đối của người dân. Sở TT&TT Đà Nẵng cam kết tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như tuyên truyền để đảm bảo dung hòa lợi ích chung của cộng đồng.

Người dân vẫn chưa đồng thuận

Nhằm mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng phục vụ, các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng thêm các trạm BTS mới và nâng cấp, chuyển đổi công nghệ các trạm BTS hiện có. Tuy nhiên, việc xây dựng trạm gặp nhiều khó khăn do nhiều người dân còn lo ngại về việc sóng điện từ trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng: năm 2016, Sở đã xử lý 14 phản ánh của người dân, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 12 phản ánh của người dân về việc phản đối xây dựng BTS tại các khu dân cư. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc xây lắp trạm BTS của doanh nghiệp đồng thời tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Đơn cử vụ việc gần đây nhất, người dân phản đối việc xây dựng trạm BTS của MobiFone tại số nhà 280 Điện Biên Phủ (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, UBND quận Thanh Khê, Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3 (Cục Viễn thông) và đại diện chủ đầu tư là Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Trung tiến hành đo kiểm bức xạ điện từ thực tế để xác định độ phơi nhiễm trường điện từ của trạm BTS tại số nhà 280 Điện Biên Phủ. Với kết quả đo kiểm thực tế, trạm BTS này được đánh giá là phù hợp với QCVN 08:2010/BTTTT (Quy chuẩn về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng do Bộ TT&TT ban hành), kết quả đo bức xạ điện từ ở những vị trí theo yêu cầu của khu dân cư 19 đều nằm trong phạm vi cho phép.

 Nhiều hộ dân xung quanh phản đối việc xây dựng trạm BTS tại số nhà 280 Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng đo kiểm, PV ICTnews đã có mặt tại các hộ xung quanh trạm BTS 280 Điện Biên Phủ thì được người dân cho biết vẫn chưa “tâm phục, khẩu phục” bởi họ không thể hiểu được các thông số kỹ thuật mà các cơ quan chức năng đưa ra.

Bà Phan Thị Lạc, Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư 19 cho hay: Từ khi nhận được ý kiến phản đối của người dân về trạm BTS tại số nhà 280 Điện Biên Phủ, đại diện lãnh đạo địa phương cùng các cơ quan ban ngành và chủ đầu tư đã tổ chức rất nhiều buổi tiếp xúc nhằm giải thích, tuyên truyền đến nhân dân. Nhưng các buổi gặp gỡ đều chưa tìm được tiếng nói chung.

Người dân cho rằng trạm BTS này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nguy hiểm, gãy đổ trong mùa mưa bão. Thêm vào đó, các nhà mạng khi xây dựng trạm BTS thường vào thời điểm ban đêm (khoảng 1-2 giờ sáng). Nếu không có gì khuất tất, tại sao phải làm lén lút như vậy, người dân ở khu dân cư 19 bức xúc.

Bên cạnh đó, trạm BTS tại số nhà 87 Hoàng Ngân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy các cơ quan chức năng, Sở TT&TT, doanh nghiệp MobiFone và địa phương đã có những cuộc họp nhằm giải thích, cung cấp thông tin với người dân về sự ảnh hưởng của trạm BTS đến sức khỏe nhưng người dân vẫn không hài lòng và tin tưởng.

Đây là 2 trong số 12 trường hợp người dân phản đối việc xây dựng trạm BTS trên địa bàn Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2017. “Riêng phường Hòa Xuân hiện có khoảng gần 30 trạm BTS, trong đó có 3 trạm BTS của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel trên các tuyến đường Trần Lê, đường Văn Tiến Dũng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) trong thời gian gần đây cũng bị nhiều người dân phản đối xây dựng”, ông Võ Linh Thể, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết.

Xây dựng trạm BTS phải đảm bảo lợi ích cộng đồng

Nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai cũng như hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông, chiều ngày 16/6/2017 Sở TT&TT Đà Nẵng đã tổ chức Họp báo trao đổi thông tin về công tác quản lý trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian qua, Sở đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các trạm BTS. Theo đó, Sở tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quyết định 64/2012/QĐ-UBND về việc quản lý trạm thu phát sóng viễn thông; Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông hạ độ cao các trạm BTS nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; Từ giữa năm 2015 đến nay, Sở chỉ ưu tiên cấp phép trạm BTS thân thiện môi trường (trạm có cột ăng-ten cao dưới 6m và theo các mẫu được thành phố phê duyệt), chiếm 97,5% các vị trí được cấp phép.

Đồng thời, Sở tăng cường công tác tuyên truyền ảnh hưởng của sóng điện từ đối với sức khoẻ con người qua các video tuyên truyền trên Cổng thông tin chính quyền một cửa thành phố và các đài truyền thanh, truyền hình…

 Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng chủ trì buổi Họp báo trao đổi thông tin về công tác quản lý trạm BTS trên địa bàn thành phố .

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận: Công tác quản lý nhà nước về BTS vẫn còn một số bất cập ở khâu hậu kiểm; Cách thức tuyên truyền vẫn chưa đạt hiệu quả cao; Cách thức tiến hành xây dựng trạm BTS của doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch gây ra sự hiểu nhầm không đáng có dẫn đến phản ứng của người dân. Các khiếu kiện của người dân về trạm BTS liên quan đến 2 vấn đề: an toàn trong mùa mưa bão và ảnh hưởng của sóng điện từ đến sức khỏe của người dân.

Ông Thanh cho rằng trong mùa mưa bão, Sở TT&TT đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hạ độ cao các trạm BTS để vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời, ông Thanh khẳng định các trạm BTS đều được cấp phép đúng qui trình, cũng như mức bức xạ điện từ của các trạm BTS được cấp phép đã được đo kiểm không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Trong thời gian tới, Sở TT&TT Đà Nẵng sẽ siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với các trạm BTS: Xây dựng quy hoạch trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trình hội đồng nhân dân thành phố; Cập nhật, bổ sung quyết định 64 theo hướng tăng cường công tác hậu kiểm đối với các trạm BTS đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện đúng quy trình xây dựng trạm BTS, không được thi công xây dựng trạm BTS vào ban đêm, vào những thời điểm không thích hợp gây hoang mang, hiểu nhầm của người dân.

Ông Thanh cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cam kết thực hiện đúng qui trình khi xây dựng trạm BTS, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc lấy ý kiến đồng thuận của người dân tại các khu dân cư.

Đồng thời, mong muốn các cơ quan truyền thông đồng hành cùng Sở TT&TT trong công tác tuyên truyền đến người dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xây dựng và phát sóng trạm BTS trên địa bàn, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng lưới thông tin di động theo xu thế công nghệ mới; đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin của người dân khi Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng “Thành phố thông minh”

Tác giả: Đoàn Hạnh - Hải Yến

Nguồn tin: Báo Infonet