Tin địa phương

Đà Nẵng quyết giảm 2.000 biên chế

Admin

Theo đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập giai đoạn 2017 - 2020, TP.Đà Nẵng quyết tâm đến 2020 giảm ít nhất 2.000 biên chế (gần 10%) cùng với 21 ĐVSN.

Sau 10 năm trực thuộc T.Ư, số người làm việc tại các ĐVSN ở TP.Đà Nẵng từ 9.535 người tăng lên đến 22.065 người (gấp 2,5 lần), từ 285 ĐVSN lên 409 ĐVSN (1,5 lần). Nhưng theo Sở Nội vụ, chỉ có 5% ĐVSN tự chủ tài chính, 16% tự chủ một phần, còn lại do ngân sách đảm bảo.

“Nhìn vào toàn quan”

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, bảo nhìn vào những con số vừa báo cáo “thấy ớn lạnh”, riêng năm 2016 chi thường xuyên 6.133 tỉ đồng, chiếm 56% tổng chi ngân sách. “Lâu nay có rất nhiều nghị quyết, chúng ta nỗ lực nhưng chưa thật sự dám nhảy vào làm nên tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Trong 2.500 tỉ đồng tiền lương, ĐVSN chiếm 80%, một tỉ lệ không thể chấp nhận. Trụ sở, lãnh đạo nhiều, nhân viên ít, lương nhiều nhưng công việc trôi chảy không bao nhiêu”, ông nói.

Giảm đơn vị sự nghiệp còn nhằm xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến tập trung đầu mối để giải quyết công việc trôi chảy, thúc đẩy tăng số lượng tự chủ chi thường xuyên.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng

Ông Thơ đơn cử, tại Trung tâm (TT) Giới thiệu việc làm khu công nghiệp (Ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất Đà Nẵng), “nhìn vào toàn quan”. TT này chỉ 11 người mà có đến... 5 lãnh đạo đơn vị và các phòng, nhiều năm liền không hiệu quả, khi đề xuất nhập vào TT Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB-XH) thì bị sở này từ chối. Ông Lê Hoàng Đức, Phó ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất Đà Nẵng, giải thích rằng TT “có tính phát triển”, nhưng bị đánh giá yếu kém là do các năm trước BQL giao chỉ tiêu chưa phù hợp, giao ít nên… ỷ lại.

Nhưng Sở Nội vụ chỉ rõ, 6 tháng qua TT hầu như không tổ chức dạy nghề, chỉ đào tạo được 2 lớp (150 người), cơ sở vật chất kỹ thuật để đào tạo bỏ không nhưng lại cho Công ty CP tự động hóa Tấn Đức thuê một nửa diện tích (cả ngàn mét vuông) làm nhà xưởng, showroom với chỉ 8 triệu đồng/tháng.

Tương tự, TT Quản lý di sản cũng phải nhập trở lại Bảo tàng Đà Nẵng sau 6 năm tách ra. Nhìn danh sách 11 người, trong đó chỉ 3 người làm chuyên môn, 2 người quản lý dữ liệu, 5 người làm hành chính và 1 lãnh đạo, ông Huỳnh Đức Thơ phải thốt lên: “Không cơ quan nào bộ máy quản lý lại nhiều hơn người thực hiện như TT này”.

Tập trung đầu mối

Nhìn nhận việc “đụng” đến vấn đề con người không đơn giản, nhưng lãnh đạo TP.Đà Nẵng khẳng định “không thể chùn bước mà không làm”. Vì vậy, đề án của Sở Nội vụ được đánh giá là "mạnh mẽ, bứt phá" khi đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm 21 ĐVSN (gồm sáp nhập, hợp nhất, giải thể 15 ĐVSN, cổ phần hóa 6 ĐVSN). Đồng thời, giảm ít nhất 2.000 biên chế, chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách sang nguồn thu dịch vụ của ĐVSN khoảng 200 tỉ đồng/năm.

Trả lời Thanh Niên, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, đánh giá Đà Nẵng là địa phương tiên phong tiến hành rà soát, sắp xếp lại ĐVSN công lập, và đây cũng là vấn đề T.Ư đang rất quan tâm. Đề án dùng các giải pháp thay đổi công tác quản lý nhà nước để chấn chỉnh mở rộng bộ máy ở các ĐVSN không căn cứ nhu cầu công việc.

Cán bộ các sở (phải) tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Đồng khẳng định địa phương sẽ “siết” khâu tuyển dụng, chấn chỉnh việc mở rộng bộ máy ĐVSN mà không căn cứ nhu cầu công việc, chặn tình trạng mất cân đối lao động trực tiếp - gián tiếp và lạm phát cấp phó.

“Thành phố giao quyền tự chủ nhưng kiểm soát trên cơ sở cơ cấu, định mức, tiêu chuẩn để tạo cơ chế thông thoáng phát triển dịch vụ. Giảm ĐVSN còn nhằm xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến tập trung đầu mối để giải quyết công việc trôi chảy, thúc đẩy tăng số lượng tự chủ chi thường xuyên”, ông Đồng nói.

Đổi mới cơ chế quản lý - tài chính

TP.Đà Nẵng đặt vấn đề đổi mới cơ chế quản lý - tài chính ở ĐVSN bằng thí điểm mô hình “Trường học tự chủ”,“Bác sĩ gia đình” và “Phòng khám đa khoa khu vực” ở một số trạm y tế xã phường, cho doanh nghiệp đấu thầu vận hành chợ hạng 2, hạng 3 ở địa phương.

Đồng thời, lập Hội đồng quản lý và thí điểm thuê giám đốc điều hành (CEO) ở ĐVSN dịch vụ đã tự chủ thu chi để tăng cạnh tranh thị trường. Đơn cử Nhà khách thành phố (đầu tư 236 tỉ đồng xây 16 tầng), khi mới hoạt động (năm 2016) cũng rất lo nguồn khách ổn định, nhưng sau đó thí điểm thuê CEO và đạt công suất 90%.

Đơn vị sẽ bị giải thể, sáp nhập?

Sở Y tế nhập 6 đơn vị: TT Y tế dự phòng, TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TT Phòng chống HIV/AIDS, TT Kiểm dịch y tế quốc tế, TT Truyền thông giáo dục sức khỏe, TT Đào tạo cán bộ y tế thành TT Kiểm soát bệnh tật.

Sở VH-TT giảm 6 ĐVSN: nhập TT Tổ chức sự kiện lễ hội, TT Phát hành phim chiếu bóng vào TT Văn hóa; nhập TT Quản lý di sản văn hóa trở lại Bảo tàng Đà Nẵng; nhập TT TDTT người lớn tuổi, Cung Tiên Sơn thành TT Tổ chức thi đấu TDTT.

Sở Công thương nhập TT Xúc tiến thương mại, TT Khuyến công, TT Hội chợ triển lãm; giải thể TT Quản lý quảng cáo, TT Giới thiệu việc làm KCN. Ngoài ra, sẽ cổ phần hóa 6 ĐVSN và đôn đốc 5 ĐVSN tự chủ chi để cổ phần hóa.