Kinh tế

Đặc thù ngân hàng là "chết không chôn được"

Admin

Cho ý kiến Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết lĩnh vực ngân hàng có đặc thù \"chết không chôn được\" vì ngân hàng nhận tiền của dân, có vấn đề gì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống, nên mới phải chuyển giao bắt buộc để tái cơ cấu, không thể phá sản như doanh nghiệp bình thường.

Sáng nay 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại phiên họp - Ảnh: Nguyễn Nam

Đáng chú ý, hai vấn đề được các thành viên UBTVQ cho ý kiến nhiều nhất là quy định miễn trách nhiệm hình sự và chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, Điều 147 dự thảo luật quy định: Cán bộ, công chức, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ định tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được pháp luật bảo vệ, miễn trách nhiệm trong trường hợp đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trung thực, đúng quy định pháp luật, đúng phương án được duyệt, vì lợi ích chung của hệ thống các tổ chức tín dụng, bao gồm cả trường hợp phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không đạt được mục tiêu đã được phê duyệt.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, các cán bộ tham mưu của NHNN, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý.

Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý Tổ chức tín dụng yếu kém dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lý Tổ chức tín dụng yếu kém. Đây cũng chính là vấn đề đang vướng mắc hiện nay.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết đối với nội dung này một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức.

Thường trực UBKT cho rằng để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng tham gia cơ cấu lại Tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát đặc biệt, việc có quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là rất cần thiết.

Song UBKT cho hay sẽ cùng với cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể tránh lợi dụng quy định miễn trừ này.

Theo Thường trực UBKT, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến, do về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.

Cho ý kiến dự luật, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng vẫn băn khoăn về quy định quyền của cổ đông, khi mà Hiến pháp đã quy định rõ về bảo hộ tài sản.

"Còn nếu chỉ vì vài ba người làm sai mà cổ đông bị tước hết quyền tài sản thì phải xem xét cẩn thận - Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị dự luật cân nhắc rất kỹ, nhất là liên quan đến trách nhiệm hình sự.

Đồng tình, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị làm rõ "miễn trách nhiệm" đối với người tham gia cơ cấu tổ chức tín dụng là miễn trách nhiệm hành chính, hay dân sự, hay hình sự?

Chủ tịch QH cũng cho rằng cần làm rõ bản chất pháp lý của phương án chuyển giao bắt buộc cũng như sự khác nhau giữa chuyển giao bắt buộc và mua ngân hàng 0 đồng.

Trước những băn khoăn của UBTVQH, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng giải thích "miễn trách nhiệm" ở đây chủ yếu là miễn trách nhiệm hình sự, dân sự và quy định ở đây không trái các quy định hiện hành.

Theo Thống đốc, cơ sở để đưa ra quy địnhh này là do người tham gia tái cơ cấu có tâm lý hoang mang, nặng nề khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, vì có những cái "không kiểm soát hết được".

Nhấn mạnh lần sửa đổi này không quy định nhà nước không mua ngân hàng 0 đồng nữa, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng lý giải khi mà cổ đông không còn năng lực tài chính thì phải có nhà đầu tư mới tiếp quản thì không trái với Hiến pháp.

Trong khi đó, một đại diện khác của NHNN cho biết lĩnh vực ngân hàng có đặc thù "chết không chôn được". Dù vốn mất hết, nhưng phải chuyển giao bắt buộc, vì ngân hàng này nhận tiền của dân, nếu có vấn đề gì thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống, nên phải chuyển giao bắt buộc.

"Doanh nghiệp bình thường là phá sản, còn ngân hàng thì không vậy được, phải tái cơ cấu, từ đó mới phải có giải pháp để cứu" - ông này nói.

Chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị bỏ miễn trách nhiệm hình sự, không thể để Điều 147 ở dự thảo luật này. "Quy định chông chênh như vậy thì chắc chắn khi trình ra QH sẽ có nhiều ý kiến không đồng tình"- ông Hiển nói.

Về vấn đề chuyển giao bắt buộc, UBTVQH yêu cầu cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ thêm, không thể nói 4 phương án mà phải quy định rất cụ thể.

"Đã thực hiện quyển hạn được giao trung thực khách quan, đúng quy định... thì chẳng ai truy tố anh được - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhìn nhận.

4 phương án cơ cấu lại ngân hàng

Dự thảo luật mới nhất quy định: "Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là một trong các phương án sau đây:

a) Phương án phục hồi; b) Phương án giải thể;c) Phương án chuyển giao bắt buộc; d) Phương án phá sản".

Phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao.

Tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định nhận chuyển giao bắt buộc cổ phần, phần vốn góp của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Dự thảo luật cũng quy định: "Kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt".