Tại phiên thảo luận ngày 26/10, quan tâm đến những số liệu trong báo cáo của KTNN gửi tới Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) phát biểu: Theo báo cáo của KTNN về kết quả kiểm toán năm 2018 và kế hoạch kiểm toán năm 2019, kết quả kiểm toán 9 tháng năm 2018 của 140 báo cáo kiểm toán đã được xét duyệt kiến nghị xử lý tài chính 56.009 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh phát biểu. Ảnh quochoi.vn |
Điều mừng là KTNN đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình song điều lo lắng còn lớn hơn nhiều vì những sai phạm được nêu trong báo cáo của KTNN là quá lớn.
“Tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, tài chính, ngân sách quốc gia, vốn đầu tư công, trong cổ phần hóa DNNN làm cho đại biểu Quốc hội và cử tri nhân dân chưa thể yên tâm”- đại biểu bày tỏ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, báo cáo của KTNN và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho thấy, việc chấp hành, xử lý các kiến nghị của KTNN về tài chính còn rất hạn chế. Năm 2018 mới thực hiện được 50 nghìn tỷ đồng/90 nghìn tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị của KTNN.
Đáng lưu ý là tình trạng này kéo dài trong nhiều năm vừa qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đó cho thấy kỷ luật kỷ cương trong thực hiện kiến nghị của KTNN còn rất hạn chế.
“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, KTNN phải thống nhất quan điểm: Kết luận, kiến nghị xử lý tài chính của KTNN phải là văn bản pháp luật, các sai phạm mà KTNN kết luận về tài chính thực chất là các hành vi vi phạm pháp luật, cần phải được khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một nền tài chính công khai, minh bạch và hiệu quả”- đại biểu Sinh kiến nghị.