Cuộc sống

Đàn bà khổ thì hay than, được yêu chiều, được “đội lên đầu” lại ngoảnh mặt làm ngơ

Lợi Trần

Đàn bà đúng là cái giống khó hiểu. Khổ cực hay khổ tâm thì than thở, nhưng được yêu chiều, được “đội lên đầu” thì cũng chê bai, chẳng thèm.

Buổi trưa, tôi được cô bạn thời sinh viên rủ đi ăn. Bạn tự lái xe đến đón tôi ở cổng cơ quan, váy đẹp, túi xách, mắt kính hàng hiệu, mặt trang điểm kỹ, mùi nước hoa dễ chịu. Nhìn bạn tôi không khỏi tủi thân; cùng tốt nghiệp một trường, xuất thân cũng tương tự nhau, mà nay sao bạn thành đạt đến phát ghen.

Đáp lại những lời khen thật tình của tôi, bạn buông một câu gọn lỏn: ông trời nào có cho ai đầy đủ toàn vẹn bao giờ… Bạn kể, những thứ hào nhoáng mà tôi nhìn thấy đều do bạn nai lưng làm mà sắm sửa, chỉ để thỏa mãn cái tôi tự ái, rằng mình độc lập, mình có thể làm ra tiền, không phải hạng đàn bà sống bám vào chồng. Vì đâu bạn lại có kiểu suy nghĩ đó? Hóa ra là do chính anh chồng thành đạt của bạn mà ra!

Từ ngày công ty ăn nên làm ra, chồng bạn bỗng nhiên coi thường vợ. Nào là vợ quê mùa, cái gì cũng không bằng chị bằng em. Biết gì chuyện làm ăn đâu mà bày đặt hỏi han, góp ý. Dân văn phòng thì chú tâm vô mấy cái văn bản, tài liệu vớ vẩn đi, đừng lắm lời... Những xúc xiểm coi thường ấy khiến bạn ấm ức bức bối. Phải làm chuyện gì đó thôi! Mình đâu thuộc dạng bất tài vô dụng mà phải cam tâm chịu những đánh giá đó.

Đàn bà, khi đã khao khát thành công thì luôn có cách của họ. Bạn từng bước leo lên các vị trí chủ chốt của tập đoàn, dấn mình vào thế giới thượng lưu. Bạn hài lòng khi thấy ánh mắt có phần ngưỡng mộ, khó tin, xen lẫn ganh tỵ của chồng, khi bạn lần lượt làm được tất cả những thứ mà trước đây ngỡ chỉ có đàn ông mới đảm đương nổi: đổi nhà, tậu xe, mua đất…

Tất nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Giờ vợ chồng bạn mạnh ai nấy đua tranh ngoài xã hội, thời gian dành cho nhau gần như chẳng còn, hai đứa con cũng bị bỏ mặc cho người giúp việc. Bạn có những đêm tự lái xe về một mình, đường khuya vắng vẻ, cảm giác cô độc đến tận cùng. Hơi men của buổi tiệc khuya vẫn váng vất, bạn chợt thèm có ai đó chở mình, thèm một tin nhắn hỏi han sao đến giờ vẫn chưa về… Bữa cơm tối ở nhà vẫn được người giúp việc chuẩn bị tươm tất, và bạn biết, nó sẽ được úp lồng bàn, nguội lạnh cho đến tận sáng mai, chẳng ai buồn đụng đũa…

 

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Nghe chuyện của bạn mà lòng tôi không khỏi xót xa. Cứ ngỡ cuộc đời đơn giản, vật chất thường song hành với hạnh phúc, nhưng hóa ra lại chẳng đúng chút nào. Nhưng, ít tiền thì cũng đừng mơ đến hai chữ yên vui. Cứ như vợ chồng tôi, bao phen sóng gió thiếu điều muốn bỏ nhau, chỉ bởi cảnh sống có phần thiếu hụt, ăn bữa nay lo bữa mai. Đôi lúc ra ngoài, nhìn những người đàn ông khác nhanh nhẹn, lịch lãm, khôn khéo, không ít khi chạnh lòng. Chồng tôi vốn xuất thân nghèo khó, học xong kiếm được một công việc biên chế, cuối năm lãnh thêm lương tháng mười ba là đã mãn nguyện. Anh không biết lái xe, sợ độ cao, ghét bia rượu, tụ tập, ngại bon chen giao thiệp, sống không có dự định gì to tát.

An phận thủ thường là quan niệm sống của anh. Anh không bồ bịch gái gú, có lẽ cũng do năng lực bản thân hạn chế. Cái sự ơ hờ của anh khiến tôi bao phen khó chịu. Vì sao anh chẳng có chí tiến thủ, không dám mơ ước điều gì to tát? Con cái học trường làng, nhà cửa hư đâu thì chắp vá đấy, muốn mùa hè đi du lịch thì cả năm phải tích cóp dần từng chút… Ngay cả quần áo, vật dụng của anh cũng toàn thứ bình dân rẻ tiền. Tôi đâm ra có chút ngại ngần nếu xuất hiện cùng anh đâu đó có bạn bè mình.

Được cái là chồng tôi hiền, luôn “có hiếu” với vợ con. Đi làm về là chí thú dạy con học, chơi với con; rảnh rang thì trồng cây, nuôi cá, sửa chữa cái này cái nọ. Anh ăn uống cực kỳ dễ, không khi nào chê bai đòi hỏi, sao cũng được; thậm chí tôi than mệt không muốn vào bếp, là anh tự giác nấu mì gói, trứng chiên cho cả nhà ăn, chẳng chút nề hà. Tôi có bực bội cằn nhằn anh cũng cười trừ, thậm chí còn xin lỗi vợ. Mà đàn ông lành quá sẽ không được vợ nể thì phải.

Có khi tôi nghĩ, giá mà anh khó tính hơn chút, lạnh lùng gia trưởng hơn chút, biết đâu anh sẽ hấp dẫn hơn. Hay như trên mạng có câu chuyện đùa hơi “bệnh” rằng, ước gì có lúc nào đó chồng quát nạt, hoặc… tát vợ một cái cũng được, để vợ có cơ hội hưởng cái thú đau thương một lần! Nhìn quanh, thấy những phụ nữ khác xông xênh váy áo, bên cạnh ông chồng lịch lãm, hỏi ai lại không ao ước? Thế nhưng, nếu được hỏi là có muốn “đổi” chồng hay không, chắc không mấy ai… ngu gì mà bỏ mồi bắt bóng, đúng không?

Chợt nhớ người chị họ của tôi, xinh đẹp, đài các và rất có phong cách. Anh rể cũng thuộc dạng người xuất sắc trong xã hội: làm ra tiền, năng động, cầu tiến. Thế nhưng, chị ngao ngán nói, có tài thì lắm tật. Anh thừa hiểu bản thân hút gái, không cần phải tán tỉnh nhiều mà vẫn khối em tự nguyện xin "chết", nên luôn tận dụng ưu thế để hưởng thụ cuộc sống, theo nhiều nghĩa khác nhau.

Về đến nhà là anh chỉ muốn cả gia đình phải phục tùng và phục vụ mình chu đáo. Tôi làm ra tiền, tôi có quyền. Cái lý đơn giản thế thôi! Cứ nhìn anh rể mà xem, luôn tinh tươm, thơm phức, quần là áo lượt, xe cộ bóng loáng. Anh thường xuyên đi nghỉ mát cùng công ty hoặc bạn bè, nhưng chẳng bao giờ muốn dắt vợ con theo. Chị tôi tức tối, trở nên hay gây hấn và bất mãn. Hỏi sao không chia tay cho nhẹ lòng, chị lừng khừng chẳng nói… Rồi có lần chị lỡ say nắng bên ngoài với Hải, một đồng nghiệp.

Hải lành tính, dễ sai bảo, chịu dỗ dành và nhường nhịn chị. Cuộc vụng trộm ấy chẳng vui được bao lâu vì theo lời chị tỉ tê, thì đàn bà thường khó trân trọng một người đàn ông mà bản thân mình xem thường. Mẫu đàn bà cá tính thường chỉ yêu đàn ông “dữ dội và dịu êm”, nam tính, chứ không thích các “baby ngọt ngào”. Mâu thuẫn thế! Đàn ông làng nhàng, tẻ nhạt thường khó có thể giữ chân ai… Chị bảo, hóa ra mình yêu chồng, người đàn ông tuy ích kỷ, nóng nảy nhưng mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Đời chẳng ai vẹn toàn. Thà khổ tâm vì một người xứng đáng, còn hơn chịu đựng cái thứ ẩm ương, lờ nhờ, chán ngắt…

Đàn bà đúng là cái giống khó hiểu. Khổ cực hay khổ tâm thì than thở, nhưng được yêu chiều, được “đội lên đầu” thì cũng chê bai, chẳng thèm. Thôi thì đời muôn hình vạn trạng, ai cũng được cái này mất cái kia, cứ tùy theo “nhu cầu” bản thân mà chấp nhận hay buông bỏ vậy…

Tác giả bài viết: Ngọc Hằng