Kinh tế

Đánh thuế nhà ở mức 700 triệu đồng làm giảm thu nhập và chi tiêu các gia đình

Admin

Theo các chuyên gia, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng (bằng 0,66% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 638.000 đồng (bằng 0,27% tổng chi tiêu).

Ngày 12-12, tại hội thảo Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân), chủ trì nhóm nghiên cứu đã đưa ra những dự báo ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản đối với phúc lợi hộ gia đình.

Theo ông Cường, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kịch bản thuế suất 0,3% và 0,4% đối với các ngưỡng 700 triệu đồng, 1 tỉ đồng và 2 tỉ đồng. Qua đó đánh giá tác động của các mức thu này đối với người dân.

 Các chuyên gia cho rằng cần xem xét kỹ ngưỡng đánh thuế tài sản đối với nhà ở

Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Cường cũng dự báo, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng của các hộ gia đình khoảng 0,9%; giảm chi tiêu thực tế khoảng 0,7%. "Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp"- ông Cường nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, kết quả phân tích các phương án đánh thuế tài sản khác nhau cho thấy với phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỉ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất đối với hộ gia đình.

Theo đó, với ngưỡng 2 tỉ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763.000 đồng (bằng 0,53% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 525.000 đồng (bằng 0,22% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng (bằng 0,72% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 700.000 đồng (bằng 0,29% tổng chi tiêu).

Đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng (bằng 0,66% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 638.000 đồng (bằng 0,27% tổng chi tiêu).

Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng (bằng 0,89% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 851.000 đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu).

"Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỉ đồng là có tác động nhỏ hơn đến các gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao. Theo mức này, trung bình hộ gia đình sẽ đóng khoảng 1,19 triệu đồng tiền thuế tài sản mỗi năm"- ông Cường dẫn chứng.

PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cũng nhận định thuế tài sản nếu được ban hành với các ngưỡng chịu thuế cũng như thuế suất như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình.

"Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị giảm thu nhập chứ không do người nghèo được cải thiện. Vì vậy, thuế tài sản không phải là một sắc thuế bền vững nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội"- ông Thành nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỉ đồng trở lên.

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỉ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng quy định là 0,4%.

Đề xuất của Bộ Tài chính vừa đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, giới chuyên gia. Hiện tại dự thảo vẫn cần nghiên cứu và xem xét thêm.