Giáo dục

Địa phương bối rối, bấn loạn với bài toán thừa - thiếu giáo viên

Lợi Trần

Sở cũng tuyển, Phòng cũng tuyển, thậm chí là Hiệu trưởng cũng tuyển… Vì thế mà dẫn đến việc thừa - thiếu cục bộ ở ngay trong cùng một địa bàn.

LTS: Việc thừa giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trong khi thiếu giáo viên tiểu học và mầm non đang là bài toán khó cho ngành giáo dục.

Thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng một trong những lý do dẫn đến hệ lụy này là bởi sự chồng chéo trong quản lý, tuyển sinh cùng với việc bổ nhiệm vì "quan hệ".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Sau hội nghị với 63 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ngày 14/1 diễn ra tại Hà Nội, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin, phản ánh tình trạng thừa gần 27.000 và thiếu hơn 45.000 giáo viên ở các cấp học.

Vì thế, đã có luồng ý kiến là điều chuyển giáo viên cấp phổ thông xuống làm giáo viên mầm non, tiểu học.

Nhiều ý kiến tán đồng nhưng cũng có lắm ý kiến còn băn khoăn bởi mỗi một cấp học đều có những đặc trưng về phương pháp giảng dạy khác nhau…

Chúng ta đều biết, tình trạng sinh viên ngành sư phạm ra trường không tìm được việc trong những năm qua đã trở thành phổ biến. Bởi, gần như địa phương nào cũng có trường sư phạm.

Sự chồng chéo trong việc quản lí, tuyển sinh đã dẫn đến việc đào tạo tràn lan như như thời gian qua, dẫn đến sinh viên ra trường quá nhiều, cung đã vượt xa cầu.

Cách tuyển dụng thì nhiều địa phương cũng chưa có những kế hoạch tuyển dụng rõ ràng. Đâu đó vẫn còn cách tuyển dụng “nhờ vả, quen biết, xin cho” từ nhiều mối “quan hệ”.

 
Những giáo viên thuộc diện dôi dư phải điều chuyển xuống dạy bậc học dưới. (Ảnh minh họa trên báo Tuoitre.vn)

Sở cũng tuyển, Phòng cũng tuyển, thậm chí là Hiệu trưởng cũng tuyển… Vì thế mà dẫn đến việc thừa - thiếu cục bộ ở ngay trong cùng một địa bàn.

Khi đã được tuyển dụng thì phần lớn giáo viên tính chuyện gia đình và khi nhận được lệnh điều chuyển từ trường này sang trường khác hay cấp học này sang cấp khác là gặp rất nhiều những khó khăn.

Vậy nên đã có chuyện nhiều người chạy chọt để được đi nơi khác nhưng lại có người cố tình chạy để ở lại.

Giáo viên đang giảng dạy đã vậy nên nhiều sinh viên không có việc làm thì loay hoay tìm việc từ năm này sang năm khác hoặc phải làm trái nghề, đến khi xin được việc thì kiến thức học được ở trường đại học đã lãng quên quá nhiều.

Điều này cho thấy chúng ta đang lãng phí rất nhiều tiền bạc của nhà nước, của người học. Bởi nhà nước bỏ kinh phí ra đào tạo sinh viên ngành sư phạm nhưng ra trường không có việc là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Trong cách tuyển dụng và thuyên chuyển giáo viên đã được hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ nhưng cấp cơ sở vẫn tồn tại nhiều những bất cập.

Mặc dù chúng ta có nhiều những qui chế nhưng một số cán bộ quản lí giáo dục ở các địa phương vẫn làm việc theo cảm tính.

Cách tuyển dụng, bổ nhiệm, xét thuyên chuyển dù không nói ra nhưng chúng ta vẫn nhận thấy một thực tế hiển nhiên là những người có quan hệ ruột rà, thân cận của lãnh đạo rất dễ được tuyển dụng, thuyên chuyển.

Chuyện cắt hợp đồng hay điều chuyển giáo viên từ cấp học cao xuống cấp thấp mà các địa phương vẫn rơi vào những “kẻ trọc đầu”…

Theo qui định hiện hành số tiết dạy đối với cấp trung học phổ thông là 17 tiết, trung học cơ sở là 19 tiết/ tuần.

Nhưng trong thực tế ở một số địa phương thì phần lớn giáo viên chỉ dạy 10-12 tiết, thậm chí nhiều tổ giáo viên chỉ dạy 5-8 tiết, kiêm thêm chủ nhiệm lớp cũng mới có 10-12 tiết.

Vì vậy, nếu phân công đúng theo qui định thì giáo viên ở các trường đang thừa rất nhiều.

Vì sao có tình trạng khủng hoảng thừa giáo viên như hiện nay? Vì sao đa số các đơn vị trường học thừa mà hằng năm nhiều Sở, Phòng vẫn tuyển và kí hợp đồng với giáo sinh mới?

Vì sao không thực hiện kế hoạch luân chuyển giáo viên giữa trường thừa sang trường thiếu? Đây là điều chỉ những người làm công tác tổ chức và lãnh đạo mới rõ?  

Nhiều trường giáo viên đã đủ những cấp trên cứ ép đưa giáo viên mới về.

Nhiều Ban giám hiệu không muốn nhận nhưng cũng phải chấp thuận vì người được đưa về lại là con, cháu, người thân của cấp trên mình…

Những văn bản hướng dẫn tuyển dụng ở ngành giáo dục hình như đã có nhiều năm nhưng đâu đó chỉ áp dụng cho con em thường dân.

Còn con em, người thân của lãnh đạo ngành giáo dục và kể cả một số lãnh đạo địa phương thì vẫn được ưu ái một cách dù lộ liễu nhưng vẫn… đúng qui trình.

Từ nhiều năm nay, một số tỉnh Tây Nam Bộ đã có chính sách bổ nhiệm và đào tạo lại giáo viên phổ thông dư thừa xuống dạy Tiểu học (dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật…) hay kiêm nhiệm một số chức danh như Tổng phụ trách Đội, thiết bị nhưng vẫn không bố trí được hết lượng giáo sinh ra trường.

Những người khi được bố trí giảng dạy sai chuyên ngành đào tạo dù chưa dám nói là tốt nhưng phần nhiều đã và đang đảm bảo được yêu cầu giảng dạy ở một số môn mà ngành giáo dục còn thiếu.

Vì thế, chuyện đưa giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non hay tiểu học dù không thể nói là khả quan nhưng trong tình thế thực tại dư thừa quá nhiều nhân sự ở một số ngành học ở cấp phổ thông vẫn được coi là một kế sách chấp nhận được và nhân văn.

Hơn nữa, giảm được việc tăng chi về ngân sách mà xét về lâu dài vẫn khả quan hơn…

Việc còn lại là các trường sư phạm, ngành giáo dục cần phải có những dự báo, kế hoạch tuyển sinh phù hợp để hạn chế lượng sinh viên sư phạm không phải lao đao đi tìm việc làm như thời gian gần đây.

Chúng ta đều biết số lượng biên chế ở các đơn vị sự nghiệp chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng biên chế của nhà nước, số lượng đó lại quá dư thừa đang là trở ngại cho ngân sách nhà nước.

Điều đó cũng đồng nghĩa mấy năm nay lương tối thiểu cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn không thay đổi nhiều bởi hằng năm chúng ta chi thường xuyên quá cao.

Kế hoạch tinh giản biên chế đã có, đã thực hiện nhưng tổng thể không giảm mà mỗi ngày càng phình to hơn…

Và, bài toán tinh giản 10% biên chế ngành giáo dục từ nay đến năm 2021 đang bắt đầu thực hiện ở cơ sở theo lộ trình.

Nhưng, xem ra bài toán cung - cầu nhân sự của ngành giáo dục xem ra vẫn còn lắm gian nan trong những năm tới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao

Nguồn tin: