Thế giới

Điều tên lửa ra Trường Sa, Trung Quốc sắp hoàn tất quân sự hóa ở Biển Đông

Admin

Giới quan sát cảnh báo Trung Quốc có thể dùng sức mạnh quân sự để sớm vạch ra khu vực hạn chế đi lại trên Biển Đông.

 Đá Chữ Thập ở Trường Sa của Việt Nam, một trong ba điểm Trung Quốc điều tên lửa đến. Ảnh: Guardian.

Ngày 2/5, hãng CNBC dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc trong 30 ngày qua đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tên lửa hành trình do Bắc Kinh triển khai là loại YJ-12B, được sử dụng để tấn công tàu chiến mặt nước từ phạm vi 545 km. Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được lắp đặt trên các đảo nhân tạo là HQ-9B với tầm bắn gần 300 km, có thể tấn công các máy bay không người lái, máy bay quân sự và tên lửa hành trình đối phương.

"Nếu báo cáo này đúng, thì đây là một bước tiến đáng kể trong việc quân sự hóa Trường Sa của Trung Quốc. Nó là giai đoạn trước khi Bắc Kinh hoàn tất quá trình quân sự hóa ở Biển Đông", ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế, Viện nghiên cứu Lowy, Australia, trao đổi với VnExpress.

Theo ông Graham, dấu hiệu để nhận biết Trung Quốc hoàn thành quá trình đó là Bắc Kinh sẽ điều các máy bay chiến đấu đến các đảo nhân tạo, hạ cánh trên đường băng ở đây.

"Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ triển khai các máy bay chiến đấu trong năm nay", ông Graham dự báo.

Sau đó, Bắc Kinh sẽ dần dần tuyên bố khu vực hạn chế hoạt động ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ đưa ra các thông báo với tàu và máy bay của các nước rằng họ phải tránh khỏi khu vực diễn tập quân sự. Graham cho rằng Bắc Kinh chưa đủ năng lực để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khắp Biển Đông.

Theo nguyên tắc pháp lý, khi một nước tuyên bố diễn tập quân sự và yêu cầu các tàu hàng và máy bay dân sự tránh ra xa nhưng họ không được ngăn tàu và máy bay đi qua khu vực đó. Tất cả những gì họ có thể làm là thông báo "nếu đi qua sẽ gặp rủi ro".

"Tầm hoạt động các tên lửa của Trung Quốc rất rộng, gần 500 km, vì thế nó giúp mở rộng khả năng chống hạm ở phần lớn Trường Sa. Bắc Kinh có thể tạo nên một hành lang ở trung tâm Biển Đông khiến tàu hải quân các nước đối mặt với rủi ro khi đi qua đây", ông Graham cảnh báo.

Chuyên gia của Viện Lowy đánh giá rủi ro xung đột giữa Trung Quốc và các nước khác ở khu vực là rất thấp, nhưng vấn đề chính ở đây là Trung Quốc muốn xác lập cách hành xử của mình trong thời bình bằng cách đe dọa sử dụng vũ lực.

Cũng tỏ rõ lo ngại về diễn biến mới trên Biển Đông, bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá việc Trung Quốc điều tên lửa ra Trường Sa là giai đoạn cuối của quá trình quân sự hóa .

"Trung Quốc sẽ sớm điều các chiến đấu cơ đến khu vực và khi thời gian chín muồi, họ sẽ vạch các đường ranh giới và tuyên bố ADIZ", bà Glazer nói.

Giáo sư Jay Batongbacal, Đại học Philippines cũng có chung nhận định với hai chuyên gia Mỹ và Australia về tiến trình của Trung Quốc ở Biển Đông, ông miêu tả "nó gần hoàn tất", điều còn thiếu duy nhất chính là các chiến đấu cơ.

Từng có thâm niên công tác trong Không lực Mỹ và theo dõi sát tình hình ở châu Á, ông Robert McCoy cho rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các thiết bị quân sự để bảo vệ các đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp ở Trường Sa. Sau đó, Bắc Kinh sẽ gia tăng hoạt động tuần tra của tàu hải quân ở các khu vực lân cận.

"Liệu Trung Quốc có tấn công các tàu hàng không? Có lẽ không, nhưng họ sẽ quấy rầy chúng. Tôi gọi đó là sự bắt nạt", ông McCoy nêu rõ.

 Tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc. Ảnh: Twitter.

Những lựa chọn cho Việt Nam

Ông Graham ở Viện Lowy khuyến cáo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên đưa ra tuyên bố thể hiện phản ứng về việc Trung Quốc điều tên lửa ra Trường Sa, nếu xác minh nó đúng. ASEAN cần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về sự vi phạm của họ đối với Tuyên bố của các bên (DOC).

Ông cũng lên án Trung Quốc mạnh mẽ vì Bắc Kinh điều tên lửa ra Trường Sa trong lúc đang đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nó là hành động "không nể nang gì của Bắc Kinh đối với Hiệp hội". Trong khi đó, Singapore, Chủ tịch ASEAN năm nay, ông Graham cho rằng nước này còn khá thận trọng trong các tuyên bố chung về Biển Đông.

"Tuy không phải là liên minh nhưng ASEAN phải lên tiếng công khai để bảo vệ quan điểm của mình trong DOC và COC. Đây là một thách thức lớn của Hiệp hội", chuyên gia Graham khuyến cáo.

Trong nội khối ASEAN, chuyên gia của Viện Lowy khuyến khích Việt Nam nên tập trung cải thiện quan hệ với Indonesia và sớm đạt được thỏa thuận trên biển, từ đó khiến Jakarta ủng hộ lập trường của Hà Nội trong các diễn đàn đa phương.

Bà Glaser ở CSIS khẳng định dù các nước có lợi ích liên quan ở Biển Đông không thể thay đổi thực tế Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực này, nhưng họ có thể cùng hợp tác để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng quân sự cho mục đích ép buộc nước khác.

"Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với bộ tứ là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ", bà Glaser nói.

Nêu các khuyến nghị cho ASEAN, cựu quan chức Không lực Mỹ McCoy cho rằng các nước thành viên nên xác định những hậu quả rõ nhất là gì, sau đó bàn cách đối phó. Dù mục tiêu là gì đi chăng nữa, nó cũng phải thực tế, các bên cần nhận dạng các bước đi để đạt được mục tiêu chung.

"Tất cả các nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của Trung Quốc cần có nỗ lực chung. Đó là vấn đề đoàn kết lại hay chia rẽ để rơi vào vòng kiểm soát của Bắc Kinh", ông McCoy nói.

Theo ông Batongbacal, tại các cuộc họp của ASEAN năm nay, Việt Nam nên giúp các nước thành viên hiểu hơn tình hình ở Biển Đông bằng những kinh nghiệm của mình đồng thời kêu gọi các nước nhất trí dựa trên một nền tảng tối thiểu nào đó.

Ông Graham thì cho rằng ASEAN chỉ là một kênh để giúp Việt Nam xử lý vấn đề ở Biển Đông, bên cạnh đó Hà Nội có nhiều kênh khác nữa.

"Việt Nam còn có quan hệ tốt với nhiều nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản. Tôi cho rằng Hà Nội hiểu rõ những lựa chọn của mình", ông Graham nói.