Ngày 20/10, UBND TP Đà Lạt ( Lâm Đồng) cho biết đang chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra vụ hủy hoại rừng thông tại khoảnh 11, tiểu khu 160B, xã Tà Nung - lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý (TP Đà Lạt).
Các đối tượng khoan lỗ trên thân cây rồi bơm thuốc độc vào |
Trước đó, Ban Quản lý rừng Lâm Viên phối hợp kiểm lâm địa bàn và Ban Lâm nghiệp xã Tà Nung ( Đà Lạt) tiến hành tuần tra rừng, phát hiện tại tiểu khu 160B, có gần 200 cây thông ba lá 30 năm tuổi (đường kính gốc từ 15 - 60cm, cao từ 12 - 16m), bị khoan gốc đổ thuốc diệt cỏ vào bên trong. Diện tích rừng thông bị đầu độc khoảng 8.500m2.
Tại hiện trường, phần lớn những cây thông bị “đầu độc” trên có biểu hiện chết khô, lá úa, gốc cây chảy nhiều nhựa trắng… Thời điểm kiểm tra trước đó, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực này có một bình thuốc diệt cỏ đã sử dụng hết, một điện thoại di động.
Cả cánh rừng thông bông dưng lá héo úa |
Lá thông chuyển từ màu xanh sang màu úa đỏ |
Từ chiếc điện thoại này, cơ quan chức năng TP Đà Lạt xác định ba đối tượng nghi vấn liên quan đến vụ việc, gồm L.V.D. (29 tuổi), Đ.V.D. (46 tuổi) và Đ.H. (41 tuổi), đều trú xã Tà Nung ( Đà Lạt). Làm việc với cơ quan chức năng, những người này không thừa nhận hành vi “đầu độc” rừng thông.
Trước đó, vào tháng 9/2017, tại cánh rừng sát tỉnh lộ 725, giáp ranh giữa xã Mê Linh và thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà ( Lâm Đồng), cơ quan chức năng phát hiện khoảng 170 cây thông ba lá, đường kính gốc từ 25 - 50cm, bị “đầu độc” bằng hình thức tương tự, khiến hàng loạt cây chết đứng. Ngoài ra, 1 năm trở lại đây, nhiều khu rừng thông ở Đà Lạt và huyện Lạc Dương cũng bị đầu độc bằng bơm thuốc vào thân cho cây héo khô, chết dần.
Những hành động tiêm thuốc đầu độc rừng thông đang báo động ở Lâm Đồng. Việc làm này ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, sinh thái của TP Đà Lạt- Lâm Đồng, trong khi Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng với những đồi thông xanh mướt.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng TP Đà Lạt điều tra, làm rõ và xử lý theo pháp luật.