Du lịch

Đồ uống có giá đắt hơn vàng hàng chục lần

Lợi Trần

Một ấm trà Da Hong Pao thượng hạng có thể trị giá tới 10.000 USD.

 Năm 2002, một nhà tài phiệt đã trả 180.000 tệ (gần 28.000 USD) để mua 20g trà huyền thoại Da Hong Pao của Trung Quốc. Mặc dù văn hóa uống trà trở thành một nghệ thuật đã hơn 1.500 năm nay nhưng mức giá đó cũng khiến nhiều người kinh ngạc. Trà Da Hong Pao truyền thống không chỉ có giá trị như vàng mà thậm chí gấp 30 lần. Một gam trà có giá 1.400 USD, một ấm trà lên tới 10.000 USD. Đây là một trong những loại trà đắt nhất thế giới
 

Một ấm trà gốc Da Hong Pao có giá lên tới 10.000 USD.


"Trông chúng phù hợp với cả một người ăn mày nhưng giá thì lại chỉ dành cho hoàng đế và có trái tim của Đức Phật", Xiao Hui, một nhà sản xuất trà ở Wuyishan - thị trấn ven sông ở Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc nói. Cô giới thiệu loại trà tối màu, lá rối, chưa hoàn thiện của Da Hong Pao từ khu vườn nhà ở thị xã Vũ Di Sơn. Xiao và gia đình, những người làm trà nhiều thế hệ vẫn lên núi mỗi ngày để kêu gọi thần trà Lu Yu ban thêm nhiều chồi mới.

Cảnh quan trên núi với những ruộng trà đã nổi tiếng nhiều thế kỷ nay. Mưa đổ xuống hẻm núi đá vôi, làm ngập các dòng suối hẹp trong núi và thác nước, kéo theo đậm khoáng chất trong nước. Ngày nay, mỗi cửa hàng ở Vũ Di Sơn đều có một bàn trà dành cho nghi lễ cúng tế, một nghĩ lễ gần giống trà đạo của Nhật Bản.

 

Cảnh sắc thơ mộng ở Wuyishan.


Đến Vũ Di Sơn, du khách sẽ thấy ngạc nhiên bởi có thể mua trà Da Hong Pao với nhiều mức giá phải chăng khác. Những loại trà lâu đời, lá được cắt từ các cây trà gốc mới hiếm và đắt đỏ. Bình thường Da Hong Pao có giá khoảng 100 USD mỗi kg.

"Trà Da Hong Pao nguyên bản rất đắt vì khó có thể tìm thấy một cây trà gốc còn lại", chuyên gia trà địa phương Xiangning Wu giải thích. "Phiên bản trà cổ đó rất giá trị, gần như vô giá". Trong thực tế, các nhà môi giới trà đều đã kết nối với giới chơi trè siêu giàu ở Trung Quốc để đảm bảo nguồn hàng quý hiếm của họ được tiêu thụ.

Nhưng không chỉ người Trung Quốc đánh giá cao Da Hong Pao. Năm 1894, nhà thực vật học người Anh Robert Fortune đến vùng núi Vũ Di Sơn với một nhiệm vụ bí mật, làm gián điệp nông nghiệp ăn cắp giống chè quý. Người Anh lâu nay vẫn luôn ám ảnh với các loại trà Trung Quốc nhưng họ đã không thể trồng được loại chè có hương vị như vậy.

 

Khắp tỉnh Phúc Kiến, du khách sẽ bắt gặp nhiều ruộng chè bậc thang trên núi.


Những cây trà Da Hong Pao gốc trồng trong nền đất một ngôi chùa hiện thuộc quản lý của nhà nước. Việc sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, vài trăm gram chè mỗi năm thuộc sở hữu của nhà nước. Gần đây, bảo vệ có vũ trang luôn túc trực để bảo vệ những cây chè quý. Chúng trông rất già cỗi, khẳng khiu, tuổi thọ mỗi cây đều khác nhau.

Vào ngày 1/5 khi mùa thu hoạch trà bắt đầu, một tấm thảm đỏ sẽ được trải ra, những phụ nữ xinh đẹp trong trang phục truyền thống bước lên đó và thực hiện nghi lễ như dâng tặng các món quà cho hoàng đế. Tuy nhiên, trên thực tế chẳng có việc thu hoạch nào. Bởi những lá trà cuối cùng từ cây cổ đã thu hoạch lần cuối từ năm 2005 và chúng không nảy thêm lá nào sau đó. Điều đó có nghĩa vài gam trà từ hồi đó trở nên ngày càng giá trị hơn bao giờ hết.

Tác giả bài viết: Như Bình