Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hải Phòng cho rằng mức phí thu đối với hàng xuất nhập khẩu mà Hải Phòng đưa ra là khá cao. |
Hiệp hội bông sợi Việt Nam vừa đại diện cho hơn 100 hội viên là các doanh nghiệp trong ngành có công văn gửi lên các bộ ngành về việc kiến nghị dừng thu phí cửa khẩu tại Hải Phòng.
Theo công văn này, trong năm 2016, ngành xơ sợi đã nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông xơ, 862.000 tấn xơ sợi, xuất khẩu 1,155 triệu tấn xơ sợi các loại, trị giá 2,897 tỷ USD.
Vừa qua, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội nhận được thông báo của UBND quận Hải An, thành phố Hải Phòng thông báo sẽ triển khai thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng tại khu vực cảng Hải Phòng với mức phí 500.000 đồng/container 40ft khi xuất nhập khẩu hàng hoá qua cảng Hải Phòng, áp dụng từ ngày 1/1/2017.
“Đây thực sự là một thông báo đầy bất ngờ, làm choáng váng các doanh nghiệp đã và đang thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng”, công văn của Hiệp hội bông sợi nêu.
Theo Hiệp hội này, các doanh nghiệp không hiểu dựa trên những cơ sở pháp lý và thực tế nào mà thành phố Hải Phòng triển khai thu phí như trên và những công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ, tiện ích nào đã và sẽ được thành phố sử dụng để phục vụ cho các doanh nghiệp. Chưa kể chi phí đầu tư và thời gian cần bù đắp cho những công trình này là bao nhiêu.
Hiệp hội này cũng cho rằng, quá trình xây dựng quy định thu phí mà thành phố Hải Phòng thực hiện là không bình thường, đã vi phạm nghiêm trọng trình tự, thể thức và thủ tục ban hành nghị quyết về thu phí, bỏ qua các bước tổ chức đối thoại trực tiếp với các đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi ban hành, thậm chí chỉ triệu tập một số doanh nghiệp đến dự cuộc họp ngày 31/12/2016 để thông báo áp đặt mức thu phí sẽ áp dụng vào 1 ngày sau đó.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu, thông quan hàng hoá tại cảng Hải Phòng vốn đã rất cao không những so với các nước trong khu vực mà còn cao hơn cả chi phí tại cảng TPHCM.
“Mấy năm qua, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu các chi phí này đều chưa mang lại kết quả. Nay Hải Phòng lại tăng thêm phí và sau đó có khả năng nhiều địa phương khác tiếp tục làn sóng “tận thu” phí”, các doanh nghiệp lo ngại.
Cũng theo phản ánh nhanh của một số doanh nghiệp sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, với lượng xuất nhập khẩu từ 150-400 container (40ft)/tháng/doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm cho chi phí này, chưa kể các chi phí đi lại và chờ đợi làm thủ tục.
Hiệp hội cho rằng, hiện tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn như hiện nay, việc TPP có khả năng không được thực hiện đã và đang ảnh hưởng lớn đến tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chi phí nguyên liệu bông xơ thường xuyên biến động phức tạp, rủi ro cao, chi phí lao động tăng cao và các chi phí khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đẩy các doanh nghiệp vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, Nghị quyết 19, 35, 100 đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận với nhiều kỳ vọng. Do vậy, việc thành phố Hải Phòng ra quyết định thu phí sử dụng công trình hạ tầng công cộng tại khu vực cảng Hải Phòng, theo các doanh nghiệp này, có thể xem là hành động đi ngược lại những nỗ lực của Chính phủ, làm mất lòng tin của doanh nghiệp trong nước FDI, gây tác động bất lợi đến môi trường kinh doanh.
Vì vậy, Hiệp hội bông sợi Việt Nam kiến nghị tạm dừng áp dụng quy định trên để làm rõ các vấn đề liên quan, đặc biệt là quy trình và trình tự thủ tục ra quyết định cũng như các tác động của quyết định này đối với các môi trường đầu tư kinh doanh.