Tin địa phương

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trước nguy cơ “vỡ trận”

Admin

Đang có những lo ngại về tiến độ thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi khi thời hạn thông xe toàn tuyến là cuối năm nay, nhưng tiến độ một số gói thầu rất chậm.

Chậm từ 3-5 tháng

Đầu tháng 8 vừa qua, đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ đã được Bộ Giao thông - Vận tải thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng. Dù còn những hạng mục chưa hoàn thiện và mới cơ bản đáp ứng các phương tiện lưu thông, nhưng việc rút ngắn hơn một nửa thời gian so với đi tuyến Quốc lộ 1A, đồng thời kết nối được một số khu vực quan trọng như Khu kinh tế mở Chu Lai, tuyến ven biển Nam Hội An - Tam Kỳ, đã cho thấy sự ưu việt của tuyến cao tốc này.

 Nhiều gói thầu đoạn tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi đang thi công cầm chừng do ách tắc tài chính dẫn đến nguy cơ “vỡ” tiến độ của Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: H.M

Để đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ đảm bảo chất lượng, đồng bộ với đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi đang thi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ đã đề nghị chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ, nhà tài trợ, chính quyền và cơ quan chức năng tập trung hoàn thiện một số hạng mục còn lại.

Đồng thời, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi để cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông toàn tuyến và đưa vào khai thác vào quý I/2018.

Dẫu vậy, trong chuyến kiểm tra đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi vào giữa tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã bảy tỏ quan ngại về nguy cơ “vỡ trận” của đoạn tuyến này. Đây là lo ngại hoàn toàn có cơ sở khi mà vào thời điểm kiểm tra, tiến độ ở một số hạng mục do nhà thầu quốc tế thi công rất ì ạch.

“Là dự án đấu thầu quốc tế, nhưng tiến độ đạt thấp, công tác thi công diễn ra chậm chạp, dù theo hợp đồng, thời gian thi công nhiều gói đã hết hạn từ lâu. Đến đầu tháng 9/2017, đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi đạt hơn 70% khối lượng công việc”, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cho biết.

Theo Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn, nhà thầu thi công là Giang Tô, Sơn Đông (Trung Quốc) và Lotte E&C (Hàn Quốc). Đoạn tuyến dài gần 70 km, nhưng các mũi thi công khá hạn chế; máy móc, vật liệu tập kết, công trường không có dấu hiệu của cao điểm thi công.

Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Tổng chiều dài toàn tuyến gần 140 km, khởi công ngày 19/5/2013, dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối năm nay.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, quy mô bốn làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn I); tốc độ thiết kế 120 km/giờ (đoạn khó khăn 100 km/giờ).

Trong 2 gói thầu có tiến độ khả quan nhất là A4 và A5, gói A4 được đánh giá có tiến độ thi công cao nhất khi đạt khối lượng khoảng 88%. Gói thầu này do Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte thi công, với thời gian hoàn thành sau 36 tháng, nhưng cũng đã trễ hẹn nhiều tháng. Các gói thầu A1, A2, A3 mới dừng lại ở việc đắp nền đường và nhiều vị trí còn chưa thi công..., dự báo tiến độ chậm từ 3 đến 5 tháng.

Năng lực nhà thầu, vướng mặt bằng hay bỏ thầu quá thấp?

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ông Trần Quang Hòa, Giám đốc Gói thầu A4 cho biết, do năng lực nhà thầu và vướng mắc về mặt bằng. “Đến thời điểm này, mặt bằng tuyến chính tương đối thuận lợi. Còn vướng mắc nhiều là ở bộ phận đường gom, đường ngang.

Trong đó, đường gom ban đầu có 7 tuyến, nhưng sau phát sinh thêm 7 tuyến, đường ngang 12 tuyến phát sinh thêm 1 tuyến. Điểm khó nhất hiện nay là cầu FO10A bên phải tuyến chưa có mặt bằng để thi công. Dù vậy, chúng tôi cam kết đến ngày 31/10/2017 sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến chính”, ông Hòa cho hay.

Theo các nhà thầu chính, bên cạnh vướng mắc về mặt bằng, việc chậm tiến độ ở đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi còn nằm ở công tác giải ngân, thanh toán bảo lãnh ngân hàng và trượt giá. Theo ông Trần Quang Hòa, do giá bỏ thầu của các đơn vị thấp từ 29-34%, trong khi mức trượt giá trung bình hiện xấp xỉ 11% và tiềm lực tài chính của các nhà thầu kém, nên khó càng khó hơn.

Phản biện ý kiến của các nhà thầu, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, phần lớn mặt bằng của tuyến đã được bàn giao, nên không thể “đổ lỗi” chậm tiến độ cho mặt bằng. “Đang giai đoạn cao điểm, nhưng hoạt động thi công rất thưa thớt, tình trạng bỏ trống công trường trải dài. Vấn đề chủ yếu của nhà thầu hiện nay là vốn, do bỏ thầu thấp, nên không còn tiền để triển khai thi công”, Thứ trưởng Thọ trăn trở.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án phải phối hợp với các bộ, ngành chức năng giải quyết vướng mắc cơ chế về bảo lãnh ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cải tổ lại bộ máy điều hành, quản lý dự án. Về vấn đề trượt giá, phải có khảo sát, đánh giá khách quan của đơn vị tư vấn độc lập, để rồi trên cơ sở đó, địa phương có biện pháp tháo gỡ.

“Nhà thầu đảm bảo năng lực tài chính, tập trung nhân lực, vật lực, máy móc và nguồn vật liệu về công trường. Sắp tới mùa mưa, việc thi công càng khó khăn, vì vậy nếu giai đoạn này không tập trung tháo gỡ các vấn đề nội tại và dốc lực thi công, thì việc thông xe dự án vào quý I/2018 rất khó khả thi”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, nếu sắp tới tình hình không cải thiện, thì Bộ sẽ có biện pháp mạnh. “Bộ không cho phép chần chừ, chậm trễ thêm. Nếu nhà thầu không đẩy nhanh thi công, tình hình không thay đổi, thì Bộ sẽ kiên quyết xử lý”, Thứ trưởng Thọ cho biết.