Nhân ái

"Đừng cắt chân con, bác sĩ ơi !"

Admin

Gương mặt ngây thơ, hồn nhiên, Hoài Giang ngước lên nhìn bác sĩ, đôi mắt ươn ướt như trực vỡ òa khóc, thỏ thẻ: “Bác ơi, con không muốn cắt chân đâu”. Lời cô bé khiến cho cả phòng bệnh ai cũng xót xa, nghẹn lại khi cô bé mới 5 tuổi nhưng sẽ phải cắt bỏ một bên chân vì căn bệnh ung thư xương ở giai đoạn muộn.

“Bé là một bệnh nhân đặc biệt vì dù rất nhỏ tuổi thôi nhưng em lại hiểu chuyện và rất kiên cường trong suốt cả quá trình điều trị. Từ các khâu tiêm, truyền, vào xạ trị đến việc tiếp xúc, gặp gỡ với bác sĩ, Hoài Giang đều rất bình tĩnh, đón nhận tất cả mọi thứ đến với mình.

Khi thay đổi phác đồ điều trị, bé cũng có chút e ngại, nhưng khi chúng tôi cầm lấy đôi bàn tay bé nhỏ ấy hỏi: “Con làm được chứ” là cô bé gật đầu và làm được. Đó là điều rất đặc biệt ở cô bé mới chỉ có 5 tuổi người dân tộc Mường này”. Đó là những lời tâm sự đầu tiên của bác sĩ Vũ Xuân Huy- Khoa Xạ tổng hợp bệnh viện K Tân Triều về cô bé Hoài Giang khi chúng tôi đến thăm.

 Hoài Giang được chẩn đoán bị K xương đùi bên phải.

 Em không đi lại được nên phải di chuyển bằng xe đẩy hoặc bà nội bế. 

Là người dân tộc Mường sống ở vùng núi thôn Đoàn Kết, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, từ nhỏ Hoài Giang đã sớm tự lập để bố mẹ yên tâm đi phụ xây. Bà nội Đinh Thị Thoa là người gần gũi chăm lo cho em nhất, bà kể: “Cháu chẳng bao giờ khóc dù là đau nhất vì cháu sợ bà cũng khóc. Chân bên phải nó sưng to và căng mọng lên như thế, nhưng khi bà hỏi con có đau không, con lúc nào cũng trả lời là con hơi hơi đau thôi bà ạ”.

 Khối u ở đùi bên phải của em sưng to, căng mọng.

Dứt câu nói, bà nội chỉ xuống phần chân bên phải của em cho chúng tôi xem. Đó là một khối sưng phồng, đỏ lựng và to gấp 3 lần đùi bên trái mà theo chia sẻ của bác sĩ Huy thì: “Bé được chẩn đoán bị ung thư xương đùi bên phải ở giai đoạn nặng. Với tổn thương xương đùi như thế, các bác sĩ với quyết tâm giữ chân nên đã cho truyền hóa chất và tia xạ với mong muốn làm cho u nhỏ hơn sau đó sẽ phẫu thuật. Lẽ ra cháu bé phải hóa chất từ 12-18 tuần thì mới được 9 tuần đã buộc phải dừng lại vì nhiều tác dụng phụ quá như men gan tăng cao.

Tiếp tục chúng tôi cho cháu xạ trị với liều lượng vừa phải vẫn với hi vọng để mổ được u cho cháu nhưng cháu không đáp ứng được nhiều nên việc giữ chân là rất khó. Điều này chúng tôi cũng đã giải thích cho gia đình cũng như cháu bé bởi bé có quyền được biết thì bé xin con sẽ suy nghĩ nhưng thi thoảng vẫn hỏi chúng tôi: “Con muốn giữ lại chân, con không muốn cắt chân đâu” khiến tất cả các bác sĩ ở đây không ai cầm lòng được”.

 Thương cháu, bà Thoa lúc nào cũng sợ hãi, sợ một ngày cháu không còn nữa.

 Hoài Giang kiên cường, dũng cảm trong suốt quá trình điều trị.

Với phần đùi sưng quá to nên em không đi lại được nữa thành ra việc di chuyển hoàn toàn bằng xe đẩy hoặc bà phải bế đi. Thân hình gầy nhẳng với ngoài 20kg, Hoài Giang trông bé nhỏ như một em bé lên 3 trông đến tội. Việc điều trị sẽ còn kéo dài từ việc phẫu thuật cắt bỏ chân đến phác đồ điều trị sau đó nhưng bà nội lo lắng không biết có theo được không bởi đến lúc này gia đình đã kiệt quệ.

“Mẹ cháu mới sinh em bé nên ở nhà chăm em. Bố cháu vẫn đi phu hồ để nuôi cả gia đình. Việc điều trị cho Hoài Giang bà thấy sợ lắm bởi không còn tiền, cũng không biết vay được tiếp ở những chỗ nào nữa vì cả nhà đi vay khắp nơi rồi cô ạ” – Bà nội ngậm ngùi kể chuyện.

 Ngày ngày trên bệnh viện, Hoài Giang nghe lời bà nội, em muốn lắm một bộ đồ chơi nấu ăn nhưng không bao giờ dám đòi vì biết bà không có tiền.

Riêng về Hoài Giang, cô bé vẫn rất nghị lực bởi em mơ ước được cắp sách đến trường, được đi học. Bố mẹ phải ở nhà không đến bệnh viện chăm em được, cô bé cũng biết nên không dám đòi, chỉ ngài ngại với đôi mắt ướt “Con nhớ nhà” rồi lại dựa vào bà như một chốn an toàn, ấm áp. Ở bệnh viện, bà cũng chẳng còn tiền để mà ăn nên dù là ngày 1/6 cũng không mua được cho cháu một món quà nào cả, vậy nhưng Hoài Giang không đòi, em vẫn bảo: “Con không cần đâu” dù đôi mắt len lén, thèm khát nhìn sang bộ đồ chơi nấu ăn của một bạn ở gần đó…