Giáo dục

Đừng kìm hãm cả một thế hệ vì những giả định về môn Lịch sử

Admin

Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đối với bậc THPT vẫn đang nhận được 2 luồng ý kiến trái chiều là ủng hộ và phản đối.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Thành viên tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục của Chính phủ cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục 2018) đã được Quốc hội thông qua. Đối với môn Lịch sử trong chương trình THPT, cần phải nhìn nhận dưới hai góc độ.

 

TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích, học sinh được chọn môn gắn với nghề nghiệp, giảm tải chương trình học là cần thiết và là xu hướng chung của thế giới. Ông khẳng định việc này không đồng nghĩa với việc môn Lịch sử không còn quan trọng. Vì thực tế, một số môn khác cũng là môn tự chọn.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, sức hút của mỗi môn học nằm ở bản thân chính môn học đó. Ông lấy ví dụ cụ thể hơn như môn tiếng Anh, học sinh được học từ tiểu học lên đến hết THPT nhưng kết quả như thế nào thì không cần phải nhắc lại nhiều. Chính vì vậy, môn Sử cần phải thay đổi phương pháp dạy và học cũng như nội dung môn học.

Điều TS Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn chính là nên chăng thay đổi vị trí môn Lịch sử và môn Giáo dục Quốc phòng An ninh trong chương trình giáo dục THPT. Tại sao không thay đổi vị trí giữa hai môn học này? Nếu như thế, chương trình giáo dục 2018 sẽ phải điều chỉnh lại.

TS Đàm Quang Minh, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc khối Phổ thông của tổ chức giáo dục EQues cho hay bậc học THPT của Việt Nam bắt buộc quá nhiều từ trước đến nay và chương trình THPT mới đang đem lại sự cởi trói cho nhà trường và học sinh. Nếu như sự phân luồng học sinh ở các quốc gia diễn ra khá sớm thì Việt Nam diễn ra quá muộn. 70% học sinh Việt Nam hiện vẫn học chương trình giống hệt nhau cho đến tuổi 18. Trong khi đó các khái niệm tự chọn được hầu hết các quốc gia đưa vào từ đầu cấp trung học tức là từ tầm 13 tuổi, sớm hơn Việt Nam đến 5 năm.

Chương trình phân luồng mới cho phép học sinh có lựa chọn từ lớp 10 theo nhiều hướng học nghề, học chuyên sâu theo sở trường. Đây là một quyết định tiến bộ cần được ủng hộ.

Quay trở lại việc nhiều lập luận cho rằng cấp THPT cần bắt buộc học Lịch sử hay coi rằng tuổi 16-18 vẫn cần tu dưỡng về lịch sử hoặc giáo dục công nhân thì chắc hẳn Bộ LĐTBXH cũng cần đưa vào dạy hai môn học này cho học sinh cao đẳng và trung cấp. Thời đại số cũng sẽ yêu cầu môn Tin học trở thành bắt buộc, các hiệp hội Toán, Lý Hóa Sinh cũng lần lượt yêu cầu và cuối cùng chúng ta có một nồi lẩu đổ lên đầu học sinh. Thậm chí có thể có câu hỏi liệu Lịch sử có nên là môn bắt buộc ở bậc đại học hay không?

Cần nhìn nhận thực tế là kể cả khi triệt để áp dụng chương trình phổ thông 2018 mới thì học sinh Việt Nam được học phân hóa khá muộn so với tất cả các quốc gia khác. Điều này không tích cực lắm nếu coi mỗi học sinh là một cá nhân đều xứng đáng trong xã hội. Chương trình cào bằng sẽ dẫn tới việc đánh giá học sinh phiến diện giỏi và dốt. Trong khi đó các học sinh cần tự hào về những mặt mạnh của mình và tập trung cho nó. Một nghệ sĩ không giỏi tính toán vẫn có thể đóng góp xã hội cũng như một nhà khoa học có thể không giỏi lắm trong một lĩnh vực nào đó.

"Đừng kìm hãm cả một thế hệ vì những giả định mang đầy định tính như kiểu "không chấp nhận học sinh tự chọn môn Lịch sử". Chúng ta có một người giỏi lịch sử lỗi lạc như Trần Ích Tắc vẫn bán nước nhưng những nông dân chưa biết chữ, chưa học lịch sử vẫn yêu nước nồng nàn, hy sinh cả thân mình. Cần tuân theo quy luật vận động tiên tiến của xã hội và quan trọng hơn hết học sinh cần được tôn trọng và có tiếng nói, có quyền lựa chọn", TS Đàm Quang Minh phân tích.

Đồng thời đề xuất các nhà trường, các phụ huynh và hệ thống giáo dục cần cải tiến để tôn trọng tiếng nói và quyền lựa chọn của thế hệ tương lai.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền phong