Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc |
Sử dụng tiền số hóa như để giao dịch
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ công an vừa tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2021.
Đại tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn diễn biết hết sức phức tạp mặc cho dịch bệnh COVID-19 cũng diễn biến đặc biệt phức tạp. Bên cạnh đó là nhiều phương thức mới, thủ đoạn mới được tội phạm ma túy áp dụng triệt để, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường như lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó, qua mặt cơ quan chức năng.
Đại Tá Ngô Thanh Bình cho biết, trong bối cảnh nguồn ma túy từ nước ngoài được vận chuyên về Việt Nam hoặc các nước thứ ba để tiêu thụ qua các tuyến biên giới, đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh biên giới với Campuchia đang trở thành “địa bàn nóng” về tội phạm ma túy. Còn trên tuyến Tây Bắc và Bắc Miền Trung gần đây xuất hiện các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua một số tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên hay các tỉnh bắc miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh. Tình hình tội phạm ma túy nơi đây đang có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Về phương thức vận chuyển, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, đặc biệt là lợi dụng hình thức thông quan điện tử để gửi những chuyến hàng được ngụy trang tinh vi cất giấu ma túy từ các nước châu Âu về Việt Nam bằng đường hàng không.
Còn tại các cảng biển tại TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được các đối tượng lợi dung để mua bán, vận chuyến số lượng lớn ma túy từ nước ngoài về Việt Nam bằng cách quá cảnh tại Việt Nam rồi di chuyển tới nước thứ ba.
Đáng chú ý hơn là hiện nay, các đối tượng đã lợi dụng triệt để việc áp dụng khoa học – công nghệ, nhằm thức hiện hành vi phạm tội. Một số đối tượng đã sử dụng phương thức thanh toán giao dịch, liên lạc qua Internet, thẻ ngân hàng quốc tế, đặc biệt tinh vi là sử dụng tiền số hóa như Bitcoin, Ethereum. Các đồng tiền này tuy chưa có giá trị giao dịch ở Việt Nam nhưng lại có giá trị quy đổi tại một số quốc gia. Phương thức liên lạc giữa các đối tượng được thực hiện qua mạng xã hội gây khó khăn lớn cho công tác điều tra.
Người nghiện ma tuý tăng gần 5%
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện cả nước có gần 250.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng gần 5% so với cuối năm 2020. Đây là một “nguồn cầu” rất lớn trong việc tiêu thụ ma túy cùng với việc quản lý người nghiện, cai nghiện cũng như sau cai nghiện chưa thực sự hiệu quả gây áp lực lớn tới công tác điều tra tội phạm ma túy.
Các đối tượng vẫn lén lút tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự bất chấp các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 12.422 vụ, 17.683 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 300kg heroin, 1.16 tấn cùng với 2,52 triệu viên ma túy tổng hợp, 940kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan tới vụ án.
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đưa ra một số yêu cầu lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy toàn quốc cần tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chỉ thị 36 của Bộ Chính trị cũng như triển khai thi hành Luật Phòng, Chống ma túy sửa đổi.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống ma túy. Quan tâm làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, nhất là triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, liên quốc gia. Giải quyết dứt điểm các tụ điểm phức tạp về mua bán, sử dụng chất ma túy, tăng cường phối hợp với Lực lượng Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển trong việc ngăn chặn việc vận chuyển ma túy trái phép qua đường biển, đường hàng không...
Tác giả: Minh Đức - Đình Cảnh
Nguồn tin: Báo Tiền phong