Tin địa phương

Đường sắt Hải Phòng - Lào Cai có đúng thời điểm?

Admin

Mới đây, Bộ GTVT đã phối hợp cùng 1 đơn vị Trung Quốc thực hiện khảo sát lập dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng.

Tuy nhiên, hàng chục nghìn tỷ ở đâu ra và thời điểm nào nên làm đang là vấn đề cần cân nhắc? Trong 10 năm phát triển thần tốc của hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng, tuyến đường sắt này cũng chỉ đảm nhận vận chuyển được hơn 1% lượng hàng hóa thông qua cảng.

 Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được lột xác bằng...vốn vay.

“Trúng” nhưng chưa đúng

Tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai từng được xem là tuyến vận tải hàng hóa bằng đường sắt hiệu quả nhất của ngành đường sắt. Tuyến đường sắt này gần như độc quyền về lợi thế khi kết nối cảng tại Hải Phòng và nguồn hàng dồi dào các tỉnh phía Bắc.

Ngày 10/3 vừa qua, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc để lập quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Phương án xây dựng được lựa chọn là xây mới tuyến đường sắt này với khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm, vận tốc thiết kế lên đến 160km/h. Tuyến đường này có chiều dài 392km đi qua địa phận 8 tỉnh, thành. Trên tuyến có 73 cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Như vậy, dù chưa đưa ra con số cụ thể nhưng ước tính tổng mức đầu tư tuyến đường sắt này sẽ ngốn đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo một chuyên gia về vận tải, với một đất nước phát triển, đường sắt là điều nên làm, tuy nhiên phải làm đúng thời điểm. Trong bối cảnh tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam cần huy động gần 60 tỷ USD chưa biết tìm đâu ra vốn mà giờ lại thêm tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai thì thật sự chưa nên.

“Bắc nước chờ gạo người”

Hệ thống đường sắt trong nước quá cũ kỹ, lạc hậu. Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đã tồn tại như vậy hơn 100 năm qua không thay đổi. Không phủ nhận vai trò lịch sử của nó, thế nhưng khi đường bộ phát triển, vận tải hàng hóa đường sắt không còn cơ hội cạnh tranh. Nhìn sang tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân thì hiệu quả kinh tế cũng chỉ đủ chi phí vận hành.

Cảng nước sâu Lạch Huyện – nơi được nhắm là đích đến lý tưởng cho tuyến đường sắt này. Theo tính toán, cảng này có khả năng xếp dỡ 100 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi tuyến đường sắt này kết nối đến “siêu cảng” Lạch Huyện sẽ kỳ vọng đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa đi các tuyến biên giới phía Bắc.

Nếu như dự án thành hiện thực, tuyến đường sắt này sẽ… đón lõng toàn bộ hàng hóa vận chuyển từ khu vực Phòng Thành (Trung Quốc) ra cảng Lạch Huyện. Thế nhưng xét từ thực tiễn và bối cảnh “bát gạo, túi tiền” thì xem ra cách nhìn quá xa đó sẽ phải đánh đổi bằng núi nợ.