Xã hội

Đường sắt siết kỷ cương sau những vụ tai nạn nghiêm trọng

Admin

Ngành Đường sắt đang nỗ lực siết chặt kỷ cương, bịt những “lỗ hổng” an toàn do lỗi chủ quan, đồng thời xử lý nghiêm người đứng đầu để đảm bảo ATGT và ngăn TNGT nghiêm trọng xảy ra...

 Nhân viên gác chắn quan sát, thực hiện tác nghiệp đón tàu qua đường ngang

Lãnh đạo buông lỏng, lao động chủ quan

Liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt do lỗi chủ quan xảy ra từ ngày 24-27/5, trong đó có hai vụ đặc biệt nghiêm trọng ở gác chắn đường ngang (Thanh Hóa) và ga Núi Thành. Mới đây nhất, ngày 2/6 lại xảy ra vụ việc tàu trật bánh khi đâm phải ô tô chở đá vượt ẩu tại Nghệ An làm đầu máy và ô tô cùng bị hư hỏng nặng, thực sự gióng lên những hồi chuông báo động.

Tại cuộc họp trong toàn hệ thống Tổng công ty Đường sắt VN cuối tuần qua, ông Điêu Khắc Minh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Lào Cai cho biết, qua thực tế giám sát, kiểm tra hiện trường, vi phạm của nhân viên chạy tàu các ga chủ yếu là lên ban không tập trung làm việc, còn làm việc riêng.

"Trong khi đường sắt thế giới và nền kinh tế đất nước tiến lên, đường sắt Việt Nam thụt lùi hoặc đứng im. Trong khi đường sắt là công cụ để phát triển. Quan trọng là phải nhận diện được tầm nhìn. Nếu chúng ta để một công cụ phát triển đứng im như thế, chắc chắn sẽ để lại hậu quả”.

PGS. TS. Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế VN

“Đối với gác chắn tại đường ngang, vẫn còn tình trạng bỏ trực, sử dụng điện thoại smartphone trong giờ làm việc dẫn đến chậm, thậm chí quên đóng chắn. Tại một số chắn đường ngang có dàn chắn lắp mô tơ điện, nhân viên gác chắn ỷ vào bấm nút điều khiển dàn chắn (di động) nên không kiểm tra thực tế, không gác chắn trực tiếp nên không biết chắn đã đóng hết hay chưa, thực hiện công việc lơ là, thiếu trách nhiệm”, ông Minh thông tin.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - ATGT đường sắt cho biết, hiện vẫn còn tình trạng một số đơn vị chậm hoặc không triển khai các văn bản, chỉ thị của tổng công ty về công tác an toàn, hoặc chỉ “triển khai cho có” theo hình thức sao y; không có văn bản hướng dẫn cụ thể phù hợp với thực tế đơn vị để người lao động dễ thực hiện. “Cùng đó là tình trạng buông lỏng chỉ đạo về kiểm tra, giám sát công tác an toàn; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, còn nể nang”, ông Chiến nói.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Tá Tùng thẳng thắn: “Lâu nay, việc chấp hành quy trình quy phạm là văn hóa của đường sắt. Kỷ luật đường sắt chỉ sau quân đội, từ hô đáp thế nào, lên ban thế nào. Liệu giờ còn giữ được không? Phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại, từ lãnh đạo tổng công ty đến các đơn vị, người lao động, đã làm tròn trách nhiệm chưa, hay vẫn hời hợt nên kỷ cương bị buông lỏng?”.

Còn để xảy ra sự cố do chủ quan, lãnh đạo sẽ mất chức

Mổ xẻ sâu hơn, ông Vũ Tá Tùng đặt câu hỏi: Hiện, mô hình tái cơ cấu của Tổng công ty Đường sắt VN có ảnh hưởng gì, hệ thống quy chế quản lý nội bộ có ổn không, khi mà quy chế đảm bảo an toàn là quy chế tạo nhiều lớp giám sát để ngăn ngừa những phát sinh, sơ hở nhưng vẫn xảy ra những vụ tai nạn, sự cố đáng tiếc vừa qua?

“Cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc có yếu tố gì chưa ổn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn?”, ông Tùng nói và cho rằng, các đơn vị cần rà soát nghiêm túc, cụ thể trong toàn hệ thống để tìm nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp liên quan đến công tác quản lý để khắc phục.

Lơi lỏng kỷ cương, kỷ luật đường sắt

Cũng tại một cuộc tọa đàm về vấn đề ATGT đường sắt cuối tuần qua, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cho biết, lương CBCNV đường sắt hiện nay thấp, nhất là các nhân viên tuần đường, gác chắn. Vì đây là đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Đường sắt bảo trì, duy tu. Trong khi nguồn kinh phí này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với yêu cầu. “Mức lương là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là môi trường, điều kiện làm việc rất khó khăn, áp lực, trách nhiệm lớn”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết, năm 2018, lương nhân viên gác chắn, tuần đường sẽ tăng 12% và Tổng công ty Đường sắt VN đang có lộ trình tăng dần lương cho người lao động, mục tiêu đến năm 2020 đạt mức bình quân 9,5 - 10 triệu đồng/người. Tuy nhiên, theo ông Minh, lương thấp không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn vừa qua mà vấn đề mấu chốt là kỷ cương, kỷ luật đường sắt bị lơi lỏng.

Về những vấn đề trên, ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn nói: “Chúng ta cần xem lại đã đưa các điều kiện, cung cấp công cụ làm việc cho người lao động thật sự tốt chưa, để ngăn ngừa, tránh sai phạm?” .

Ông Thắng dẫn chứng, trong 31 ga địa bàn chi nhánh quản lý có đến 3 loại đóng đường khác nhau gồm: 24 ga sử dụng thiết bị tín hiệu 6502 của Trung Quốc, 6 ga sử dụng thiết bị bán tự động 64D và 1 ga vẫn sử dụng đóng đường thủ công bằng phiếu đường. Thậm chí, có ga một đầu ghi sử dụng 6502, một đầu ghi lại vẫn dùng thủ công. Thiết bị đa dạng công nghệ, không đồng bộ với nhau, không phù hợp với hạ tầng ga khiến người lao động rất khó thao tác, thực hiện.

Về những giải pháp cấp bách, ông Tùng cho biết, Tổng công ty Đường sắt VN xác định 3 tháng 6, 7, 8/2018 là cao điểm siết lại kỷ cương, kỉ luật trong toàn ngành. Tổng công ty đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, kể cả Chủ tịch, Giám đốc công ty bớt họp hành, hoãn các chương trình văn hóa - thể thao, tập trung xuống hiện trường rà soát, chấn chỉnh công tác an toàn. “Nếu chỉ để xảy ra một vụ nữa, theo quy chế hiện hành, dẫu chưa đến mức cách chức cũng sẽ buộc phải từ chức hoặc điều chuyển đi nơi khác”, ông Tùng kiên quyết.

Theo ông Tùng, từ những vụ việc vừa qua cho thấy, an toàn chạy tàu phụ thuộc lớn vào tác nghiệp của người lao động. Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt VN đã yêu cầu các đơn vị rà soát lại chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thu nhập của người lao động. Cùng đó, tổ chức sát hạch, đào tạo lại, kiên quyết không bố trí người không đảm bảo sức khỏe, không đủ trình độ chuyên môn, không kéo dài thời gian lao động đối với những chức danh công việc nặng nhọc như lái tàu, gác chắn…