Du lịch

Gánh phở giữa đêm khách phải xếp hàng chờ ở Hà Nội

Admin

Quán mở giữa đêm nhưng lúc nào cũng kín chỗ, có khách phải đợi tới cả nửa tiếng mới tới lượt.

Vào những đêm đông Hà Nội, không ít người chỉ muốn tay bưng bát phở, vừa ăn vừa húp nước dùng để hơi ấm lan xuống cổ họng, thật khoan khoái dễ chịu. Với những ai phải lòng phở Hà Nội thì hãy thử một lần thưởng thức món ăn này ở các quán đêm.

 Gánh phở nhỏ được sắp xếp gọn gàng phục vụ khách trong 3 tiếng mỗi ngày.

Hơn 20 năm nay, phở gánh đầu phố Hàng Chiếu đã thành hình ảnh điển hình của một Hà Nội ăn đêm nhưng không phải ăn chơi bời, mà là ăn để thấm cái vị phở đêm, chiều cái vị giác trên đầu lưỡi.

Trong khung cảnh sáng sớm, khoảng 14 bàn được bố trí dọc Hàng Đường và Hàng Chiếu. Ai đến trước ăn trước, ai đến sau phải xếp hàng. Có khách phải đợi 30 phút mới được ăn.

Từ cái nồi sốt vang trên bếp ga, mùi thơm bay đi níu chân khách hàng đứng đợi. Thỉnh thoảng, chị chủ lại lấy muôi đảo đều những miếng thịt bò vàng nâu bóng trong nồi sốt vang. Có lúc, chị lại dùng muôi lựa những miếng thịt khách yêu cầu một cách bình tĩnh, chậm rãi. Bát phở làm xong, chị rắc chút hạt tiêu bắc thơm.

 Ngoài phở sốt vang, quán còn có phở tái chín, giá mỗi bát là 40.000 đồng, mở bán từ 3h tới 6h sáng.

Người bán rất chiều lòng khách, ai muốn gân có gân, muốn miếng nhiều thịt cũng có. Đôi khi có khách yêu cầu đến ba bốn loại thịt cho bát phở sốt vang, chị vẫn chiều, cầm muôi đảo lộn cả nồi để kiếm miếng khách ưng ý.

Rất đông người tới quán phở gánh này là khách quen từ lâu. Đây có lẽ là nét đặc trưng rất Hà Nội mà mọi người muốn trải nghiệm, chứ không hẳn là ăn bát phở cho no rồi về đi ngủ. Và họ cảm nhận được không khí hàng quán, nghe tiếng chuyện trò giữa đêm vắng tĩnh mịch, với cái mùi đặc trưng mà chỉ có ở quán phở đêm mới có.

 Khách thường xuyên phải chờ đợi tới lượt được phục vụ.

Dù hàng vỉa hè, phở bán trên gánh và khách đông, mọi thứ cũng được xếp đặt khá gọn gàng. Giữa chủ hàng với khách có một sự thân thuộc. Bởi vậy, có những người đặt báo thức lúc 3h sáng chỉ để làm một việc, đó là ra quán phở gánh, đến để "thưởng thức" phở chứ không phải để "ăn phở".