Kinh tế

Giá nhà cao gấp 25 lần, TPHCM đề nghị chưa thu thuế tài sản

Admin

Trong dự thảo Quy định cơ chế đặc thù cho TPHCM có đề xuất dự kiến thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn. Đề xuất này đã vấp lại sự phản ứng của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia bất động sản.

Trong công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ngân hàng Nhà nước..., Hiệp hội bất động sản TPHCM đề nghị chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TPHCM tại thời điểm hiện nay.

Thời điểm thực hiện đánh thuế bất động sản nên dời đến sau năm 2020 thì phù hợp. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản chỉ riêng tại TPHCM, hoặc bất cứ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào.

"Nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, nhưng chưa thật sự vững chắc. Giá nhà vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội (trong khi ở các nước phát triển thì biên độ này chỉ khoảng từ 5 - 7 lần), thu nhập của người dân nhìn chung vẫn còn thấp và chưa thật ổn định", HoREA nêu lý do trong bảng kiến nghị.

 Thời điểm thực hiện đánh thuế bất động sản theo Hiệp hội bất động sản TPHCM nên dời đến sau năm 2020 thì phù hợp

Theo thống kê, mặc dù tầng lớp trung lưu của TPHCM đang gia tăng mạnh hàng năm, thu nhập GDP đầu người hiện đã vượt mức 5.000 USD/người, và dự kiến sẽ vượt mức 10.000 USD/người vào năm 2020, nhưng chi phí thực tế để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tại thành phố vẫn rất đắt đỏ so với các tỉnh.

Ông Lê Hoàng Châu, chuyên gia bất động sản cho rằng, nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản thì có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố, nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của thành phố tăng lên, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Hệ lụy kéo theo sẽ là làm cho cuộc sống đắt đỏ hơn nữa, đặc biệt là tác động làm giảm sức cạnh tranh của thành phố, bởi lẽ các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản.

"Tôi cho rằng, dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ; tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế", ông Châu nói.

Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Viethome cho rằng, giá nhà, đất hiện đang cao so với thu nhập của người dân. Nguyên nhân của việc "đội giá" là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất.

Theo ông Đào, "tiền sử dụng đất" mặc dù không gọi là thuế, nhưng là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Thông thường, "tiền sử dụng đất" chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% giá nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% giá nhà biệt thự. Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản, thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi.

Thực tế, ngày 8/11/2013, UBND TPHCM đã đề nghị Chính phủ bỏ chế định thu "Tiền sử dụng đất", và thay thế bằng "thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở", với thuế suất khoảng 10 hoặc 15% giá đất trong bảng giá đất (sát giá thị trường) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất hiện nay).