Liên quan đến vụ việc cô giáo Trương Thị Lan ngã quỵu khi nhận quyết định lương hưu 1,3 triệu đồng mà Dân trí đưa tin đang gây xôn xao dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Minh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh để làm rõ sự việc.
PV: Thưa ông, sau khi Báo Dân trí đăng tải sự việc, dư luận cả nước có nhiều băn khoăn. Nhiều người cũng thử đặt phép tính và vẫn không hiểu tại sao mức lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan với quá trình công tác 37 năm (hơn 22 năm đóng bảo hiểm xã hội - BHXH) lại thấp đến vậy. Liệu có sự nhầm lẫn/ chưa chính xác nào ở đây khiến cô giáo thiệt thòi? Ông có thể cho biết cụ thể việc tính lương hưu hàng tháng đối với trường hợp cô giáo Lan?
Ông Hoàng Văn Minh: Bà Trương Thị Lan, có quá trình công tác có đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 8/2017, với tổng thời gian tham gia BHXH là 22 năm 8 tháng.
Mức đóng BHXH: Từ tháng 1/1995 đến 12/2012 là giáo viên hợp đồng, truy đóng và đóng BHXH bắt buộc theo Công văn số 3658/BHXH-BT của BHXH Việt Nam, mức đóng mức tiển lương tối thiểu chung từng thời kỳ.
Từ 1/2013 đến tháng 6/2013 mức lương 3,06; từ 7/2013 đến 12/2013 mức lương 2,86; từ tháng 12/2015 mức lương 3,06; từ tháng 1/2016 đến 12/2016 mức lương 3,26; từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2017 mức lương 3,46.
|
- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH thì bà Lan vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Nên khi tính lương bình quân tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại khoản 1, Điều 62 Luật BHXH.
Cụ thể: Từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012 đóng BHXH theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng BHXH theo mức lương tối thiểu chung từng thời kỳ), tổng thời gian: 216 tháng, với tổng số tiền sau khi đã được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ là: 249.818.200 đồng.
Từ tháng 1/2013 đến 8/2017, tổng số tháng 56 tháng, đóng, với mức lương bình quân của các tháng đóng BHXH theo hệ số tiền lương do Nhà nước quy định cộng với thâm niên ngành là: 247.728.260 đồng.
|
Căn cứ các quy định của Nhà nước thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với bà Trương Thị Lan là hoàn toàn đúng quy định.
Trả lời PV Báo Dân trí, ông Hoàng Văn Minh – Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng đối với trường hợp cô giáo Trương Thị Lan (Giáo viên Trường Mần non Lê Duẩn) hoàn toàn đúng quy định (Ảnh: baohatinh) |
Vì sao mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non thấp?
PV: - Trường hợp lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan dù gây bất ngờ nhiều người nhưng theo như lãnh đạo BHXH Hà Tĩnh và đại diện Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đây không phải chuyện hiếm, thậm chí thực trạng lương hưu của đối tượng là giáo viên mầm non rất thấp rất phổ biến. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Minh: Tiền lương hưu phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là:
+ Mức tiền lương tham gia BHXH
+ Thời gian tham gia BHXH
Căn cứ theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH. Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, trong thực tế, phải vài năm sau đó, giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đăng ký tham gia và đóng BHXH cho cơ quan BHXH.
Để tạo điều kiện cho những giáo viên mầm non nói trên có đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng Ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn số 2150/GDĐT-BHXH về thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non.
Trường hợp giáo viên mầm non nhận lương hưu thấp như cô giáo Trương Thị Lan không hiếm. |
Tại mục 1; 4 của hướng dẫn quy định rõ: 1. Người lao động làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, tại các cơ sở giáo dục mầm non đều được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định hiện hành của Nhà nước (không kể độ tuổi của người lao động, không phân biệt loại hình trường công lập, bán công, dân lập hay tư thục)… 4.
Những người lao động có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH, thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp.
Do đó, những giáo viên mầm non hết tuổi lao động vào giai đoạn 2011-2014 thực tế chỉ từ 10-15 năm đóng BHXH. Lúc này, họ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần chứ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Với những giáo viên nghỉ hưu vào giai đoạn 2011-2014, họ sẽ có từ 16-20 năm đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng.
Đến năm 2011, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho giáo viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu háng tháng (theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ)
Trên cơ sở đó, giáo viên mầm non tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2011; đến hết năm 2014, họ có vừa đủ 20 năm đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Như vậy, với các chính sách và việc tạo nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng như quá trình tham gia đóng góp của bản thân người lao động, giáo viên mầm non ngoài công lập từ chỗ không thuộc đối tượng tham gia BHXH đã thuộc diện tham gia BHXH, từ chỗ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần đã tích lũy đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Tóm lại, nguyên nhân khiến mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non lại thấp, đầu tiên là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu được tính trên nền tiền lương này thấp. Thêm nữa, do thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.
Thực tế, điều kiện về kinh tế của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở nông thôn chỉ bảo đảm trả lương cho giáo viên ở mức ngang hoặc trên một chút so với mức lương tối thiểu.
Xin cám ơn những trao đổi của ông!