Giáo dục

Giáo dục giới tính đang như tấm lưới bị thủng

Lợi Trần

Phụ huynh thì lúng túng, thiếu kiến thức hoặc né tránh, còn phía trường học còn thờ ơ… với vấn đề giáo dục giới tính làm con trẻ rơi vào cảnh “chạy” lung tung.

Nhiều bất ổn, nguy cơ trong giáo dục giới tính (GDGT) được đề cập tại chuyên đề ra mắt cuốn sách “Cẩm nang Giáo dục giới tính” diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Tác giả - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải đã so sánh GDGT của chúng ta hiện như một tấm lưới, đã thưa rồi còn thủng.

Khó từ trong nhà đến trường học

Bao nhiêu tuổi có thể làm “chuyện người lớn”? Làm sao nhận diện giới tính thật của bản thân? Làm sao uốn cong thành thẳng một đứa trẻ có những biểu hiện thuộc “giới tính thứ ba”? Có nên tắm chung với con để nhân tiện nói về giới tính? Làm sao để con tránh bị xâm hại khi mà tình trạng trẻ bị xâm hại đang ở mức đáng báo động. Một người mẹ hoảng hốt khi con gái mình đòi lớn lên chỉ yêu và cưới công chúa…

 

Phụ huynh đặt những câu hỏi về những tình huống oái oăm họ gặp phải khi giáo dục giới tính cho con


Những câu hỏi được các bạn học sinh sinh viên, các vị phụ huynh và cả các những người đang hoạt động trong lĩnh vực tâm lý học đường đặt ra tại buổi chuyên đề. Việc tiếp cận kiến thức giới tính hoặc quá trình truyền đạt giáo dục giới tính cho con trẻ dường như đang gặp rất nhiều nan giải ngay trong gia đình và cả nhà trường. Những câu hỏi được đặt ra mới chỉ là bề nổi còn thực tế có vô số vấn đề “chìm” mọi người gặp phải nhưng không dám nói ra vì đây vẫn được xem là chuyện tế nhị hay là chuyện xấu hổ.

Dẫn theo cô con gái chuẩn bị lên lớp 4, chị Trần Minh Oanh, ngụ ở Q.3 nhỏ to kể, chị đang thom thóp vì con lớn nhanh trước tuổi về cả thể chất lẫn tâm sinh lý. Suốt ngày cháu hỏi vì mẹ có cái này, ba không có, toàn đặt ra những câu hỏi khó liên quan đến thân thể mà bà mẹ không biết giải đáp thế nào, toàn mắng con.. hư.

Người mẹ đưa con đến buổi nói chuyện với bao thắc mắc mong tìm được câu trả lời nhưng không dám đứng dậy đặt câu hỏi vì sẽ phải nhắc đến những bộ phận… kỳ cục trên cơ thể, thấy xẩu hổ lắm. Hai mẹ con đùn đẩy nhau, mẹ nói con muốn hỏi gì hỏi đi. Đứa bé lắc đầu, bảo mẹ hỏi đi suýt giận nhau định bỏ về.

Câu chuyện của mẹ con chị Oanh có lẽ cũng là tình cảnh nhiều phụ huynh gặp phải. Muốn bảo vệ con, muốn con có thể tự bảo vệ mình nhưng chính bố mẹ lại thiếu kiến thức và e ngại việc tiếp cận.

 

Học trò mù mờ về kiến thức giới tính vì bị "bỏ rơi"


Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, đang phụ trách phòng tư vấn tâm lý tại một trường THPT nêu ra một thực tế việc đưa các hoạt động, kiến thức về GDGT vào trường học hiện rất khó khăn. Chính lãnh đạo nhà trường giáo viên chưa thấy được tầm quan trọng trong việc GDGT cho học trò. Có hiệu trưởng từ chối thẳng thừng vì cho rằng tại sao lại phải đề cập đến GDGT trong trường học. Có giáo viên còn thật tình: “Thầy ơi, nó chưa cần cho học sinh đâu”.

"Giáo dục giới tính là giáo dục làm người"

Rất nhiều hiểm họa rình rập con trẻ vì thiếu kiến thức giới tính. Nó không chỉ gói gọn trong cách hiểu hạn hẹp quanh chuyện yêu đương, quan hệ nam nữ, lạm dụng tình dục hay chuyện phá thai… mà hơn hết kiến thức giới tính khoa học sẽ hình thành cho các em nhân sinh quan, cách nhìn nhận về giá trị bản thân và cuộc sống một cách đúng đắn. Vậy nhưng gia đình, nhà trường lại đang xem nhẹ hoặc trì hoãn việc GDGT cho con trẻ dẫn đến nhiều vấn đề lệch lạc, đau thương cho các em.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải bày tỏ, đang có sự nhầm lẫn giữa giới tính và tình dục. Nói đến giới tính là nhiều người lớn liên tưởng ngay đến chuyện… “người lớn” nên vấn đề dễ bị né tránh. Trong khi bản chất của giáo dục giới tính là giáo dục làm người, giáo dục mỗi người biết trân quý thân thể và tính mạng của mình, của người khác và cư xử phù hợp với giới tính của mình.

 

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng giáo dục giới tính của chúng ta đang như một tấm lưới bị thủng.


Chuyên gia này cho rằng người Việt chúng ta không còn mù chữ, không mù bằng cấp mà chỉ mù giới. Trong khi giới tính là tặng vật mà mọi người đều có, đó là lĩnh vực nhạy cảm nhất gắn với khả năng yêu thương và sự sống. Một người không thể là con người đúng nghĩa nếu không có sự mạnh khỏe về giới.

Bà Hải cũng kể, bà cùng các cộng sự tổ chức nhiều chương trình giáo dục giới tính đến trường học hoàn toàn miễn phí và không quảng cáo cho bất cứ nhãn hàng nào nhưng vẫn bị từ chối hoặc muốn tổ chức phải đóng tiền. Trong khi, theo ThS Lan Hải, con người cần phát triển 3 mặt là thân – trí – tâm, giáo dục thiếu một trong ba yếu tố trên thì sẽ như kiềng ba chân bị gãy.

Nhưng bác sĩ Nguyễn Lan Hải cũng chia sẻ khi nhà trường hiện nay quá nhiều việc và đặc biệt xót xa cho giáo viên rất nhiều áp lực trong khi quá thiếu thời gian. Cũng chưa có luật nào hay có thể bắt buộc nhà trường phải đưa nội dung này vào mà phụ huynh, các chuyên gia tâm lý với mong muốn “thay đổi” chỉ có thể thực hiện trên tinh thần đối thoại.

Gia đình là yếu tố quan trọng nhất trong GDGT cho con trẻ nhưng chỉ mình gia đình sẽ không làm nổi mà cần sự hợp sức, hợp tác từ nhà trường, từ cộng đồng. Trong khi, hiện nay bà Hải ví von GDGT của chúng ta đang như một tấm lưới thủng, đã thưa rồi lại còn thủng nên rất khó vá, cần sự hợp sức của tất cả mọi người, mọi tổ chức. Có thể nói đây là một thiệt thòi lớn cho con trẻ.

Tác giả bài viết: Hoài Nam