Giáo dục

GS Ngô Bảo Châu: ĐH trong nước yếu về nghiên cứu khoa học

Lợi Trần

Tại hội nghị quốc tế về Khoa học cơ bản và xã hội, GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận, mức độ nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH Việt Nam còn yếu, dễ kéo lùi sự phát triển đất nước.

Bên lề hội nghị quốc tế Khoa học cơ bản và xã hội diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định), trao đổi với Zing.vn chiều 7/7, GS Ngô Bảo Châu (chủ nhân huy chương Fields Toán học năm 2010) trăn trở về thực trạng nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH trong nước hiện nay.

Nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn

GS Châu nhìn nhận, ngoài một số trường đại học, học viện lớn, mức độ nghiên cứu khoa ở phần lớn các trường ĐH hiện nay còn yếu. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp thấp nên các trường không được xếp thứ hạng cao so với các nước trên thế giới.

"Nghiên cứu khoa học còn yếu dễ kéo tụt lùi sự phát triển của đất nước", vị giáo sư nổi tiếng lo ngại.

Theo chủ nhân huy chương Fields năm 2010, trung bình mỗi năm, chúng ta chi phí khoảng 3 đến 4 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu sinh, du học ở nước ngoài.  Trong khi đó, Việt Nam thiếu linh hoạt trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về nước làm việc.

"Con số 3 đến 4 tỷ USD ra nước ngoài mỗi năm còn thấy được, những điều mất mát lớn hơn, chúng ta khó thể lường hết", GS Châu nói.

 

GS Ngô Bảo Châu (bên trái) tại hội nghị quốc tế "Khoa học cơ bản và xã hội" diễn ra ngày 7/7 tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng.

Đề xuất lập cơ chế linh hoạt thu hút nhân tài

Để khắc phục tình hình này, GS Châu đề xuất, các trường ĐH hoặc cơ quan nhà nước, khi tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, không nên cứng nhắc, dừng lại ở mức lương khởi nghiệp. Hầu hết tri thức học tập ở nước ngoài quan tâm về nước môi trường làm việc có thoải mái không, tương lai được đảm bảo như thế nào...

Các trường ĐH và cơ quan nhà nước cần có cơ chế linh hoạt, cạnh tranh tích cực để thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao (dù được đào tạo trong nước hay nước ngoài).

Nghiên cứu khoa học không thể thực hiện nếu không có nghiên cứu sinh. Thực tế, Việt Nam mới cấp học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh làm luận án ở nước ngoài, còn trong nước vẫn thiếu chính sách đãi ngộ.

"Khi chưa chú trọng nghiên cứu khoa học, chưa có cơ chế đãi ngộ tuyển dụng, giảng viên chuyên môn giỏi cho các trường đại học, việc đào tạo nguồn nhân lực khó đảm bảo chất lượng, nguy cơ đất nước thụt lùi rất lớn", GS Châu cho hay.

 
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế "Khoa học cơ bản và xã hội" sáng 7/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội Gặp gỡ Việt Nam tạo sự kết nối, phát huy những giá trị nguồn chất xám của các nhà khoa học, tăng cường tiềm lực khoa học cho Việt Nam và nhân loại.

Để mong muốn đó trở thành hiện thực, ngoài cam kết ủng hộ của Chính phủ, Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian Khoa học tại TP Quy Nhơn sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động hiệu quả.

Không gian khoa học này sẽ là nơi hội tụ đông đảo của các nhà khoa học, viện nghiên cứu, các trường đại học của Việt Nam, công chúng yêu khoa học, đặc biệt là giới trẻ.
 

Tác giả bài viết: Minh Hoàng

Nguồn tin: