Giáo dục

GS Ngô Bảo Châu: Tại sao Việt Nam nhập khẩu nhiều cuộc thi?

Lợi Trần

GS Ngô Bảo Châu cùng nhiều khách mời tại tọa đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?”, đã thảo luận về lý do Việt Nam phải nhập khẩu nhiều cuộc thi từ nước ngoài.

Có mặt tại buổi tọa đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?” trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2016 diễn ra tại ĐH Bách khoa Hà Nội, chiều 21/8, GS Ngô Bảo Châu đặt câu hỏi cho các vị khách mời là hiệu trưởng, giảng viên, người tổ chức những cuộc thi tại Việt Nam hiện nay.

Nhập khẩu nhiều cuộc thi dù không biết nguồn gốc

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Khi ở Pháp, Mỹ, Australia, tôi thấy mỗi nước đều có một kỳ thi riêng, chỉ Việt Nam có tất cả kỳ thi của cả ba nước đó”.

“Không lẽ chúng ta cạn kiệt đến mức phải đi nhập khẩu các cuộc thi từ nước ngoài nhiều đến vậy?”, GS Châu nêu vấn đề.

Câu hỏi mà GS Ngô Bảo Châu đặt ra cũng là điều mà nhiều những người làm giáo dục, hoặc quan tâm đến giáo dục nước nhà thắc mắc. Ông Ngô Văn Minh, giáo viên Toán, trường THCS Archimedes Academy (Hà Nội) nói: “Chúng ta nhập khẩu quá nhiều kỳ thi của nước ngoài, dù không biết rõ có nguồn gốc từ đâu, như thế nào”.

“Các kỳ thi Toán học bị thương mại hóa theo chiều thiếu tích cực, sức tàn phá của nó rất khủng khiếp. Bởi vậy, các nhà Toán học và khoa học khác cần có phản biện chuyên môn để tránh những ảnh hưởng tiêu cực trong giáo dục”, ông Minh quả quyết.

 

GS Ngô Bảo Châu giảng bài tại Ngày hội Toán học mở 2016. Ảnh: Hoàng Như.


Trả lời câu hỏi của GS Ngô Bảo Châu và khán giả đặt ra, TS Trần Nam Dũng – giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM cho biết: “Muốn tổ chức các cuộc thi 'made in Việt Nam', trừ kỳ thi học sinh giỏi các cấp, chúng ta cần nâng tầm ảnh hưởng của nền giáo dục trở nên rộng và lớn mạnh hơn. Khi đó, những cuộc thi quốc tế tầm cỡ mới vào được Việt Nam. Bây giờ, việc tự tổ chức các cuộc thi bỏ ngỏ hoàn toàn nên mới dễ dàng vào nước ta”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Toán học Lê Thống Nhất cho rằng, việc nhập khẩu các cuộc thi không phải xấu.

“Vấn đề của các cuộc thi là cách tuyên truyền thổi phồng và các giải thưởng thí sinh đạt được. Có nhiều cuộc thi chỉ ở tầm cỡ khu vực, độ khó của đề không cao, gần như 100% thí sinh đi thi có giải, nhưng khi trở về lại tôn thành tích ngang tầm quốc tế, khiến nhiều người hiểu nhầm, thí sinh và gia đình ảo tưởng”, TS Nhất nhận định.

Mặt trái các cuộc thi

Bên cạnh vấn đề nhập khẩu các cuộc thi, các vị khách mời và khán giả trong buổi tọa đàm còn thảo luận sôi nổi về ý nghĩa và mặt trái của các cuộc thi tại Việt Nam hiện nay.

TS Trần Nam Dũng cho rằng, các cuộc thi không chỉ để kiểm tra, đánh giá, mà còn tạo không khí học tập cho học sinh, là gốc của sự học. Ngoài ra, các cuộc thi còn là những sân chơi tạo nên sự thi đua, hứng khởi và động lực cho học sinh.

 

Các vị khách mời thảo luận tại toạ đàm Thi đấu Toán học, ích gì? Ảnh: Hoàng Như.


Tồn tại song song với những ý nghĩa tốt đẹp, các cuộc thi cũng ẩn chứa những mặt trái, bất cập khiến các nhà giáo dục suy nghĩ, trăn trở.

PGS.TS Lê Anh Vinh – Phó hiệu trưởng trường THPT Khoa học Giáo dục (Hà Nội) chia sẻ: Hiện, các kỳ thi phần lớn cho học sinh giỏi. Để đạt thành tích, học sinh giỏi phải vượt qua nhiều cuộc thi ở nhiều cấp bậc khiến việc đi thi của các em rất nặng nề. Việc này do cách tổ chức thi trước đây từ cấp cơ sở đến trung ương còn nhiều bất cập.

Theo ông Vinh, chúng ta cần có cái nhìn khác, mọi thứ sẽ đơn giản hơn. Thay vì chỉ có học sinh giỏi được tham dự, hãy để mọi học sinh có nguyện vọng được đi thi. Dù không làm bài tốt như học sinh giỏi, các em vẫn vui vì được tham dự kỳ thi như mọi người.

“Sức ép lớn nhất từ phụ huynh, lúc nào cũng muốn con mình đạt thành tích. Nếu con đã cảm thấy áp lực vì phải học trường chuyên, lớp chọn hay những kỳ thi học sinh giỏi, cha mẹ đừng tạo áp lực cho con thêm nữa. Nên đặt nhẹ thành tích xuống, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Trẻ con chính là người gánh chịu nhiều nhất”, ông Vinh nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của khách mời và khán giả trong buổi tọa đàm đề nghị Bộ GD&ĐT chuyển giao lại cuộc thi học sinh giỏi các cấp cho các hiệp hội chuyên môn.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, một vị khách tham dự chương trình, nêu quan điểm: Nên cấm tuyệt đối việc dùng ngân sách Nhà nước để đi thi, ai muốn thi thì nộp tiền trên tinh thần tự nguyện. Nhà nước thay vì phải bỏ ngân sách tổ chức cuộc thi, lại còn thu thêm được ngân sách.

“Bộ GD&ĐT nên giao trách nhiệm lại cho các hiệp hội chuyên môn tổ chức các cuộc thi. Không nên lấy tiêu chuẩn thành tích của trẻ con làm thành tích của người lớn”, ông Sơn gay gắt nói.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương – nguyên hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cho rằng: “Các kỳ thi hấp dẫn trẻ con, được chúng rất yêu thích. Quan trọng là người lớn phải tổ chức như thế nào cho hiệu quả, làm sao để các em có nhiều cơ hội thành công. Các kỳ thi nên chuyển giao cho nhà khoa học, chuyên môn để chất lượng tốt hơn”.

 

Ngày hội Toán học mở là sự kiện do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức, phối hợp các đơn vị đào tạo, câu lạc bộ Toán học. Chủ đề của năm nay là “Bản giao hưởng số pi”.

Chủ đề của ngày hội ngụ ý sự phá cách có trong nội tại của Toán học. Số pi chứa nhiều bất ngờ, bí ẩn. Những cái hay, đẹp, bí ẩn, vô lý, có lý... hoà trong nhau tạo nên sự hấp dẫn của Toán.

Tại ngày hội, GS Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago, Mỹ) trình bày "những câu chuyện xung quanh định lý cuối cùng của Fermat". GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) thuyết trình về "Số đề". TS Trịnh Hữu Tuệ (ĐH Wisconsin - Milwaukee) diễn giảng về "cơ sở luận lý của nghĩa không đen".

Tác giả bài viết: Hoàng Như - Trần Anh

Nguồn tin: