Tin địa phương

Gửi tiết kiệm trăm tỷ ở ngân hàng: Mất rồi đòi hơi bị khó

Admin

Gần đây, hàng loạt vụ việc khách đột ngột phát hiện mất hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng đã xảy ra. Nguyên nhân thường do sai lầm từ người gửi hoặc do cán bộ ngân hàng câu kết lừa đảo khách hàng.

Khách VIP liên tục mất tiền tỷ trong sổ tiết kiệm

Việc bà Chu Thị Bình, một nữ đại gia trong ngành thủy sản, bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao. Được biết, toàn bộ các giao dịch với bà Bình tại ngân hàng này đều do ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, trực tiếp thực hiện. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.

Tuy nhiên, bà Bình không phải là trường hợp đầu tiên bị mất tiền trong sổ tiết kiệm. Nhiều trường hợp mất số tiền lớn trong sổ tiết kiệm đã xảy ra. Trong đó, rất nhiều trường hợp bị mất tiền là khách hàng VIP. Nguyên nhân thường do sai lầm từ người gửi hoặc do cán bộ ngân hàng câu kết lừa đảo khách hàng.

Chi nhánh ngân hàng OceanBank tại Hải Phòng.

Trước đó, 17 khách gửi tiền mất 400 tỷ đồng tại Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng là một trong những vụ cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách lớn nhất gần đây. Liên quan đến vụ việc, đã có ba cán bộ của Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng bị khởi tố vì đã lừa đảo khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng nhưng số tiền này không có trong hệ thống ngân hàng.

Vụ hàng chục sổ tiết kiệm của khách hàng gửi tại chi nhánh Agribank Cam Đường, tỉnh Lào Cai có dấu hiệu bị lừa đảo cũng khiến dư luận dậy sóng. Liên quan đến vụ việc này, nhiều khách hàng của Agribank Cam Đường đã làm đơn tố cáo đối tượng Lê Thị Huệ (SN 26/8/1974, trú thành phố Lào Cai). Huệ đã làm giả hơn 20 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Trường hợp bà Nguyễn Bạch Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) tố mất gần 9 tỷ tiền gửi vào Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) chi nhánh Hà Nội, phòng giao dịch số 14 cũng là một ví dụ điển hình. Qua kiểm tra, ngân hàng cho rằng bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng giao dịch số 14 - đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ký, đóng dấu trên các tờ bảng kê tiền gửi. Giấy này do bà Hà tự lập ra, không thuộc mẫu biểu, chứng chỉ do ngân hàng cung cấp, không tuân thủ theo mẫu quy định của ngân hàng.

 Bà Ngô Phương Anh.

Vụ việc năm 2016 bà Ngô Phương Anh (Đà Lạt) gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng trên phố Giảng Võ - Hà Nội - lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà cũng khiến dư luận xôn xao.

Sự việc khác xảy ra tại Eximbank khi Nguyễn Thị Lam, cán bộ kiểm ngân thuộc Phòng giao dịch Eximbank huyện Đô Lương, chi nhánh TP. Vinh (Nghệ An) từ tháng 4/2016 đã nhiều lần giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống, đề nghị khách hàng ký khống vào các giấy rút tiền để chiếm đoạt của 6 khách hàng, với tổng số tiền lên tới 48 tỷ đồng cũng khiến nhiều người giật mình.

Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Quy trình mở sổ tiết kiệm tại các ngân hàng (NH) thường rất chặt chẽ. Song, để cạnh tranh và thu hút khách đến gửi số tiền lớn, nhiều NH cho phép khách hàng VIP không đến quầy, chi nhánh để giao dịch mà được phép ủy quyền cho người khác hoặc ủy quyền cho cán bộ NH là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của NH thay thế họ thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền...

Trường hợp này dễ phát sinh rủi ro khi gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống...

Những quyển sổ tiết kiệm có giá trị hàng chục tỉ đồng bị tẩy xoá và thực chất chỉ có một triệu đồng được gửi tại ngân hàng. 

Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu cẩn trọng trong việc ký vào những chứng từ mà nhân viên ngân hàng đưa cho. Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi.

"Nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của ngân hàng. Ngân hàng phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc, nhằm đảm bảo người rút tiền là 'chính chủ' hay không. Nếu theo đúng quy trình khắt khe của hoạt động ngân hàng thì không dễ gì tiền bị thất thoát. Chỉ có sự lỏng lẻo hoặc có sự câu kết của nhân viên phụ trách mới dẫn đến khủng hoảng chữ ký ở ngân hàng như hiện nay", chuyên gia này cho biết trên Zing.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tại Việt Nam, có tình trạng thường phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng mới thực hiện việc chi trả. Nhưng tại các quốc gia phát triển, NH thường trả lại tiền cho khách hàng trong vòng 24-72 giờ. Vì khi người gửi bị mất tiền, NH phải chịu trách nhiệm. Còn trường hợp nhân viên gian dối, lừa đảo rút tiền của khách hàng thì họ là người đại diện cho NH thực hiện giao dịch. Vì vậy, NH không thể đổ lỗi cho nhân viên và phải nhanh chóng bồi thường cho người gửi tiền.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm này. "Một cá nhân làm việc tại ngân hàng không thể tự mình rút tiền của khách hàng ra khỏi ngân hàng được, trừ phi khâu kiểm soát của ngân hàng đó bị tê liệt và bị vô hiệu hoá", luật sư Hưng cho biết trên Dân trí.

Những sai lầm có thể khiến sổ tiết kiệm ‘bốc hơi’

Khách hàng khi gửi tiền ngân hàng nên tránh những sai lầm sau để cuốn sổ tiết kiệm không bị “bốc hơi” đáng tiếc:

1. Ký sẵn chứng từ

2. Không mở sổ tiết kiệm tại quầy

3. Gửi tiền trước, nhận sổ hoặc chứng từ sau

4. Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ

5. Thay đổi chữ ký liên tục