Tin địa phương

Hải Phòng: Dân tố chủ đầu tư “đá bóng” trách nhiệm?

Admin

Dù đã kiểm tra hiện trạng trước khi thi công và cam kết bồi thường toàn bộ tổn thất trong quá trình thi công nhưng khi dự án triển khai xong, chủ đầu tư đã đùn đẩy, “đá bóng” trách nhiệm, không bồi thường những trường hợp rạn nứt nhà gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn thư của hơn 10 hộ dân đang sinh sống tại cụm dân cư số 7 ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng về việc Công ty TNHH một thành viên Tasco Hải Phòng khi thi công xong công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, đã “phủi” trách nhiệm về sự ảnh hưởng đến nơi ở, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Đặng, bức xúc: “Nhà tôi mới xây, nhưng khi đơn vị thi công đào đường, sử dụng lu rung trong quá trình thi công thì bị rạn nứt nghiêm trọng. Những hộ mặt đường bị rạn nứt như nhà tôi ngay từ đầu đã được chủ đầu tư cùng cơ quan chức năng đến chụp ảnh và lập Biên bản giám định hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, gần một năm nay, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đề nghị chủ đầu tư giải quyết, xong chưa có phản hồi từ phía Công ty Tasco Hải Phòng. Không biết nhà tôi như vậy có được bồi thường không?”.

Theo ghi nhận, khi phóng viên “mục sở thị” ngôi nhà hai tầng của ông Đặng, nhận thấy tầng 2 có ba phòng thì phòng nào cũng bị nứt chằng chịt như mạng nhện. Còn tại nhà ông Quýnh, các vết nứt nghiêm trọng hơn, mỗi khi có phương tiện lớn đi qua cát bụi rơi xuống đầu, thậm chí rơi cả vào bát cơm, chén nước.

Ông Phạm Văn Quýnh, một người dân tại đây, cho biết: “Nhà tôi nứt nghiêm trọng nhưng kiến nghị rất nhiều lần cũng chẳng ai xuống xem xét, thẩm định. Khi chuẩn bị thi công thì chủ đầu tư cam kết, hứa hẹn đủ điều. Khi thi công gây nứt nhà dân thì không trả lời, không ai ý kiến gì. Chủ đầu tư không thể vô trách nhiệm như thế được”.

Tại địa điểm thi công, cải tạo quốc lộ 10, bằng mắt thường cũng có thể nhìn rõ, có rất nhiều nhà dân ở mặt đường xã Vĩnh An bị ảnh hưởng bởi dự án, một số nhà dân còn bị đứt ống nước. Không chỉ nhà ngay mặt đường giáp với dự án mà một số nhà phía sau cũng bị rạn nứt rất lớn, gây mất an toàn cho cuộc sống của họ.

 Bản cam kết giữa Chủ đầu tư với hộ ông Nguyễn Văn Đặng

Trong số các hộ dân kiến nghị, nhà ông Nguyễn Văn Quản bị nứt nặng nhất. Vợ chồng ông Quản tỏ ra chán nản khi chỉ vào các vết nứt: "Nhà tôi không chỉ bị nứt, mà còn bị lún. Tôi đã báo cáo xã và huyện cùng những đơn vị thi công tại dự án để họ đến thẩm định nhưng đã gần một năm nay không ai xuống thẩm định cả. Tôi đành gia cố lại chờ người xuống thẩm định nhưng lúc nào cũng lo ngay ngáy vì mất an toàn ngay chính trong nhà mình”.

Tại Bản cam kết công tác giám định công trình các hộ dân ngày 6/11/2017, giữa đại diện UBND xã Vĩnh An, đại diện các hộ gia đình và đại diện Chủ đầu tư, nêu rõ: “Chủ đầu tư dự án cam kết sau khi thi công xong thảm bê tông nhựa 30 ngày, đơn vị bảo hiểm vào triển khai công tác giám định công trình, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng do quá trình thi công và lên phương án đền bù cho các hộ gia đình theo đúng quy định”.

Cam kết là thế nhưng khi có sự cố lún, nứt nhà dân xảy ra thì không một cơ quan chức năng nào đến thẩm định. Tại sao chủ đầu tư không có mặt thường xuyên, sâu sát những kiến nghị của người dân? Nói về vấn đề này, ông Phạm Đức Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tasco Hải Phòng, lại khẳng định: “Ban quản lý, đơn vị thiết kế, đơn vị thi công rất sâu sát trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện dự án và làm đúng, đủ với những gì đã cam kết. Tôi khẳng định không có việc nứt, lún nhà dân, không sử dụng lu rung trong khi thi công”.

 Ông Phạm Đức Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tasco Hải Phòng

Bên cạnh đó, khi nói về việc bồi thường thiệt hại cho các hộ dân, ông Phạm Đức Minh lại đùn đẩy, làm ngơ, một lần nữa ông khẳng định: “Nếu việc chúng tôi thi công mà làm nhà dân bị lún, nứt như thế thì làm sao hoàn thành được dự án đó. Mà nếu đúng là có lún, nứt thì trách nhiệm không thuộc về chúng tôi. Vì trước khi triển khai dự án, BQL đã ký hợp đồng với đơn vị thi công là Công ty CP Tasco Trường Sơn, họ sẽ là người phải bồi thường đầy đủ cho dân. Tuy nhiên, việc bồi thường phải theo quy trình, phải có đơn vị có năng lực thẩm định thì bên bảo hiểm mới đồng ý”.

Như vậy, có nghĩa là BQL đã "đá quả bóng" trách nhiệm cho đơn vị thi công với lý lẽ rằng: Quyền lợi của người dân sẽ được giải quyết nhưng phải chờ vào quyết định của bên B là Công ty CP Tasco Trường Sơn. Phải chăng đây là lời bào chữa cho việc BQL đã không tiếp thu kiến nghị của dân về tình trạng nhà bị nứt, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Vũ Duy Tân, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng, huyện Vĩnh Bảo, cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhận được đơn thư phản ánh của các hộ dân tại xã Vĩnh An, đồng thời đã gửi công văn đề nghị Công ty TNHH Tasco Hải Phòng trả lời về các kiến nghị của người dân. Phía doanh nghiệp đã gửi văn trả trả lời một cách chung chung, không nói rõ vị trí nào dùng và không dùng lu rung. Chúng tôi rất muốn đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình nhưng không hiểu lý do vì sao đến thời điểm hiện tại phía doanh nghiệp vẫn không có phản hồi rõ ràng, chính đáng để có hướng giải quyết tốt nhất cho dân”.

Thiết nghĩ, lòng tin của nhân dân đã quá “mong manh” nên các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác dân vận cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.