Tháo gỡ “nút thắt” giao thông cho du lịch Cát Bà
Ngày đầu tiên của tháng 3/2024, Người Đưa Tin có mặt tại Bến phà Đồng Bài ở đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Khá nhiều người dân địa phương, du khách có mặt tại đây để chứng kiến chuyến phà đầu tiên rời và cập bến. Gương mặt ai cũng hiện rõ niềm vui và sự phấn khởi.
Có thể nói, việc thay thế Bến phà Gót bằng Bến phà Đồng Bài là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với du lịch Cát Bà nói riêng, du lịch Hải Phòng nói chung. Bởi khoảng gần 10 năm trở lại đây, khi lượng du khách đến “đảo ngọc” Cát Bà ngày càng tăng, do cơ sở vật chất có hạn, Bến phà Gót không đáp ứng được nhu cầu nên thường xảy ra ùn tắc, nhất là vào mùa cao điểm du lịch biển đảo, dịp nghỉ lễ, Tết, cuối tuần.
Trong những năm qua, Tp.Hải Phòng loay hoay với nhiều giải pháp giảm bớt ùn tắc trên tuyến phà đưa khách ra khu du lịch Cát Bà, nhưng không mấy hiệu quả. Việc đưa bến phà mới có diện tích rộng gấp 1,5 lần bến phà cũ cùng cơ sở vật chất và tuyến đường giao thông khang trang, đồng bộ, được kỳ vọng sẽ cơ bản giải quyết tình trạng này.
Người dân địa phương, du khách vui mừng chờ đón chuyến phà đầu tiên đưa khách qua Bến phà Đồng Bài ra đảo Cát Bà.
Trao đổi với Người Đưa Tin nhân sự kiện đặc biệt này, ông Phạm Trí Tuyến - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, vui mừng chia sẻ, việc đưa Bến phà Đồng Bài vào hoạt động và dự kiến trong tháng 4/2024 sẽ đưa các phà lớn được đóng mới vào khai thác, sẽ giúp du lịch huyện nhà tháo gỡ “nút thắt” về giao thông để hoàn thành mục tiêu đón 3,6 triệu lượt du khách trong năm 2024.
Những năm gần đây, du lịch Cát Bà luôn đóng góp hơn 1/3 số lượt du khách đến Hải Phòng. Vì thế, việc đưa Bến phà Đồng Bài vào hoạt động là rất quan trọng giúp du lịch Hải Phòng hiện thực hóa mục tiêu đón 9,1 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế năm 2024, cao nhất từ trước đến nay.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hải Phòng, ngoài đưa Bến phà Đồng Bài vào hoạt động, Tp.Hải Phòng đang xem xét hỗ trợ giúp du lịch Cát Bà tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến bố trí bến cảng ở vị trí thuận lợi để các tàu thăm quan, lưu trú trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà đưa đón du khách, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng ở xã Việt Hải, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà…
Xây dựng thương hiệu Foodtour Hải Phòng
Ngoài thế mạnh du lịch biển đảo với 2 khu du lịch nổi tiếng Đồ Sơn và Cát Bà, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh với Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khu di tích quốc gia Bạch Đằng Giang…, hơn 2 năm trở lại đây, nhờ sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội, tuyến du lịch nội đô (Hải Phòng City Tour) với điểm nhấn Foodtour Hải Phòng đã thực sự “bùng nổ”, trở thành hiện tượng thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ.
Mỗi dịp cuối tuần, những chuyến tàu hỏa vốn vắng khách trước kia, nay chở hàng chục nghìn lượt du khách đến trải nghiệm những món ẩm thực độc đáo của Hải Phòng, như: Bánh mỳ cay, bánh đa cua, bún cá cay, ốc, dừa dầm, nộm bò khô, giá bể xào… và check-in những điểm đến trên bản đồ ẩm thực thành phố Cảng. Foodtour đã thực sự thổi luồng sinh khí làm bừng lên sức sống mới cho tuyến du lịch nội đô Hải Phòng vốn cũ kỹ, trầm lắng.
Theo số liệu thống kê của Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, năm 2023, số lượng hành khách đi tàu hỏa từ Hà Nội xuống Hải Phòng (chủ yếu trải nghiệm Foodtour Hải Phòng) đạt gần 1,5 triệu lượt với doanh thu hơn 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 36% và 35% so với năm 2022.
Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng vận chuyển hơn 225.000 lượt hành khách trải nghiệm Foodtour Hải Phòng, doanh thu đạt hơn 18,3 tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Du khách hào hứng trải nghiệm Foodtour Hải Phòng.
Trao đổi với Người Đưa Tin ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, cho biết, số lượt hành khách và doanh thu do ngành Đường sắt thống kê đã nói lên độ “hot” của Hải Phòng City Tour với tâm điểm là Foodtour Hải Phòng.
Để Foodtour trở thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Hải Phòng, trước mắt, Sở Du lịch Thành phố phối hợp tăng cường quảng bá, tuyên truyền cũng như quản lý chặt về chất lượng sản phẩm, giá cả, an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ… đối với các hàng quán, nhất là hàng quán vỉa hè.
Xa hơn nữa, đề xuất quy hoạch khu phố ẩm thực đồng bộ về cảnh quan tuyến phố, con đường, cách bài trí hàng quán, thương hiệu, lựa chọn những món ẩm thực đặc trưng, nổi tiếng của địa phương, trong nước và quốc tế.
Hướng tới mục tiêu lâu dài, bền vững
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hải Phòng, năm 2024, địa phương đặt mục tiêu đón 9,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 1,2 triệu lượt so với năm 2023 và cao hơn mức kỷ lục của năm 2019 hơn 20.000 lượt.
Với nhiều cố gắng và nỗ lực, trong 2 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng đón hơn 1 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là cơ sở để địa phương tự tin hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là thời gian cao điểm mùa du lịch biển đảo vốn là thế mạnh sắp tới trong khi “điểm nghẽn” giao thông ra Cát Bà đã được khơi thông.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, Hải Phòng có tính toán đến kế hoạch dài hơi cho năm 2025 và những năm tiếp theo trong bối cảnh những địa phương cùng có lợi thế về du lịch biển đảo đang “bứt tốc” một cách hết sức mạnh mẽ (tỉnh Quảng Ninh lân cận đặt mục tiêu đón 17 triệu lượt du khách trong năm 2024), hay “năm nào tính năm đó” theo kiểu “ăn xổi”?
Tàu du lịch đưa du khách thăm quan, nghỉ dưỡng trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà.
Về vấn đề này, ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, cho biết, đơn vị đã hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển du lịch Tp.Hải Phòng đến năm 2030, hiện đang trình UBND Thành phố thông qua. Đề án là cơ sở, nền tảng quan trọng, hoạch định những bước đi chắc chắn, bền vững cũng như khơi thông mọi tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực để du lịch Hải Phòng tăng tốc, phát triển.
Trước đó, tháng 5/2023, UBND Tp.Hải Phòng đã có Quyết định số 1246/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 20230.
Dự kiến, Tp.Hải Phòng sẽ trích ngân sách tổng cộng 24 tỷ đồng, trung bình 3 tỷ đồng/năm được lồng ghép trong kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, sự nghiệp của các sở, ngành trong dự toán chi ngân sách hằng năm cho du lịch nông nghiệp.
Các huyện trên địa bàn Tp.Hải Phòng dự kiến chi 8 tỷ đồng ngân sách, trung bình 1 tỷ đồng/năm phục vụ chương trình OCOP. Đồng thời, xem xét huy động các nguồn thu hợp pháp và vốn xã hội hóa khoảng 72 tỷ đồng, trung bình 9 tỷ đồng/năm cho phát triển du lịch nông thôn.
“Với sự quan tâm, đầu tư cho phát triển du lịch cũng như có hướng đi lâu dài, bền vững, Hải Phòng sẽ sớm khẳng định mình trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế”, ông Vũ Huy Thưởng chia sẻ.