Giáo dục

Hải Phòng miễn học phí cho học sinh, nơi khác thì sao?

Admin

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, cách đây vài năm TP.HCM cũng từng có chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS. Tuy nhiên, chủ trương này đã không được thực hiện.

 TP.HCM từng có chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS nhưng không thực hiện được do vướng quy định. Trong ảnh: phụ huynh đang đóng học phí tại một trường THCS ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Vị lãnh đạo sở giải thích chủ trương miễn học phí đã không được thực hiện là do vướng nghị định 86 của Chính phủ ban hành năm 2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Nghị định này có quy định về khung mức thu học phí đối với các trường phổ thông công lập. Vì vậy TP.HCM không thể "vượt rào" mà miễn học phí cho học sinh THCS.

Cuối cùng, TP.HCM đành chọn giải pháp giảm mức học phí dành cho học sinh THCS xuống đến mức tối thiểu của khung mức thu học phí mà nghị định 86 đã quy định. Tức là học sinh THCS ở nội thành TP.HCM sẽ đóng học phí 60.000 đồng/tháng, học sinh THCS ở ngoại thành TP.HCM sẽ đóng học phí 30.000 đồng/tháng. Mức học phí này đã được duy trì từ nhiều năm nay và không thay đổi dù vật giá có tăng lên.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, hiện TP.HCM vẫn có mong muốn miễn học phí cho học sinh THCS vì cấp học này đã phổ cập giáo dục.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, phụ huynh có hai con đang học THCS ở quận Bình Thạnh, cho rằng: "Nghị định 86 chỉ có hiệu lực đến hết năm học 2020 - 2021. Như vậy, tôi hi vọng sang năm học sau Chính phủ sẽ có quy định theo hướng "mở" về học phí.

Trong đó, những địa phương nào có thể miễn học phí cho học sinh thì để cho địa phương đó thực hiện bởi đây là quy định nhân văn và nên làm. Có thể vài chục ngàn đồng mỗi tháng không là gì so với vật giá hiện nay nhưng đối với phụ huynh có gia cảnh khó khăn, buôn gánh bán bưng thì mỗi tháng giảm được đồng nào hay đồng ấy".

Không những thế, bà Nguyễn Bích Trang, phụ huynh ở quận 4 còn phân tích: "Sau này, trước khi ban hành quy định về học phí, tôi đề nghị Chính phủ nên định nghĩa rõ trong văn bản học phí là như thế nào.

Hiện nay, tuy mức học phí của Nhà nước chỉ vài chục ngàn đồng/tháng nhưng trên thực tế chúng tôi phải đóng hơn 1 triệu đồng/tháng cho con em mình vì ngoài khoản học phí "cứng" mà Nhà nước quy định thì các nhà trường thu thêm rất nhiều khoản học phí khác như học phí học tiếng Anh, học phí học tin học, học phí học buổi thứ 2, học phí học kỹ năng sống...

Thế nên, phụ huynh chúng tôi luôn ước ao nếu Nhà nước miễn học phí cho học sinh thì sẽ giảm gánh nặng cho chúng tôi rất nhiều".

Nhiều nước miễn học phí phổ thông

Hiện nay, quy định miễn học phí cho chương trình giáo dục bắt buộc được các quốc gia tính toán chủ yếu dựa vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực và tiềm lực tài chính ở nước mình. Tại Mỹ, giáo dục phổ cập bắt buộc đến hết lớp 12 và mọi học sinh là công dân Mỹ được đảm bảo chương trình học công lập miễn phí. Hầu hết học sinh chọn trường công, chỉ khoảng 10% đăng ký vào trường tư.

Tương tự tại Canada, chính sách giáo dục bắt buộc miễn phí từ tiểu học đến hết trung học cũng được áp dụng với công dân nước này và con cái của những người có visa thường trú lâu dài. Một số nước ở châu Âu, như Đức và Na Uy, dùng tiền thuế đánh cao hằng năm để "bao trọn gói" học phí cho người dân từ bậc tiểu học cho đến cả đại học.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều khác biệt về chính sách học phí nhưng nhìn chung đều miễn phí nhiều cấp học. Ở Singapore, các trường công lập thường miễn phí cho học sinh 7 tuổi bắt đầu chương trình tiểu học cho đến hết trung học lúc 17 tuổi.

Dù vậy, theo Bộ Giáo dục nước này, các gia đình cần đóng một số khoản phí như tiền xe đưa rước, tiền đồng phục... Thông thường, chi phí này khá nhỏ, dao động từ 13 - 25 SGD/năm, tức khoảng 225.000 - 432.000 đồng/năm. Tương tự ở Malaysia, học phí cho các trường công lập cũng được chính phủ chi trả.

Ở Thái Lan, giáo dục miễn phí kéo dài đến 15 năm. Trong đó, chương trình giáo dục cơ bản bắt buộc của nước này kéo dài 9 năm, gồm 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở. Chương trình học mẫu giáo 3 năm và chương trình học trung học phổ thông 3 năm đều không bắt buộc nhưng vẫn không tốn phí nếu các gia đình lựa chọn.

TRỌNG NHÂN

 

Hải Phòng làm được, nơi khác thì sao?

Báo Tuổi Trẻ ngày 22-12 đăng bài viết "Hải Phòng miễn học phí cho học sinh các cấp". Có lẽ đây là nội dung được bạn đọc thích thú, ấn tượng và mong muốn việc này được nhân rộng trên cả nước.

Theo bài báo, năm học 2020 - 2021 này, các bậc học từ mầm non đến THCS ở Hải Phòng chính thức được miễn 100% học phí và ở bậc THPT việc miễn học phí sẽ áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Đây là niềm vui lớn cũng là niềm tự hào của người dân, khi Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng miễn học phí cho các bậc học.

Dù tiền học phí hằng tháng, hằng năm không phải là số tiền khá lớn, song đây là món quà ý nghĩa đối với sự nghiệp giáo dục. Với những gia đình khó khăn, học sinh không phải đóng học phí đồng nghĩa giảm bớt gánh nặng đáng kể. Đối với học sinh nói chung, đây là niềm động viên, khích lệ, là động lực để cố gắng hơn trong chặng đường học tập, tác động rất lớn đến sự nghiệp giáo dục. Hải Phòng làm được điều này là điều đáng ghi nhận!

Ngoài việc giảm học phí, Hải Phòng áp dụng thưởng xứng tầm đối với giáo viên và học sinh giỏi. Cụ thể, với các học sinh đoạt giải quốc tế, mức thưởng tối thiểu là 200 triệu đồng và tối đa là 500 triệu đồng/học sinh, giáo viên có học sinh đoạt giải là 250 triệu đồng; học sinh đoạt các giải quốc gia, mức thưởng tối thiểu là 20 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng/học sinh, giáo viên có học sinh đoạt giải là 25 triệu đồng...

Mong rằng nhiều địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện thuận lợi, làm được điều này, để trong vài năm tới "mô hình" Hải Phòng sẽ được nhân rộng trên khắp cả nước.

THÁI HOÀNG

Tác giả: H.HG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ