Trước đó, vào khoảng tháng 12-2017, báo PL&XH đã có bài viết “Hải Phòng: Ngư dân nuôi thả ngao cầu cứu...” phản ánh việc gần đây có nhiều tàu lạ đã tiến vào khu vực bãi bồi (nơi bà con ngư dân thả nuôi ngao) khai thác cát, khiến cho nhiều ngao giống của họ bị cuốn theo.
Theo như nội dung phản ánh của người dân thì vào khoảng đầu năm 2013, nhận thấy việc thả nuôi ngao giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp xoá đói giảm nghèo, bà con ngư dân đã tiếp tục khai hoang, dọn bãi và cùng nhau gom góp đầu tư hàng chục tỷ đồng trên diện tích gần 500 ha để thả nuôi ngao.
Bà con ngư dân vẫn tiếp tục duy trì công việc đánh bắt thuỷ sản để mưu sinh, chờ đến mùa thu hoạch ngao. Việc này không những tạo thêm nguồn thu cho ngư dân, mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Thế nhưng, vào ngày 18,19-10-2017 vừa qua, một số tàu, xà lan có cả gàu xúc vào sát khu vực bãi nuôi ngao để hút cát khiến một số cọc bãi ngao bị đổ, làm ảnh hưởng đến ngao giống và ngư trường tại đây. Ngay sau đó, người dân đã báo với các lực lượng chức năng.
Bãi bồi nuôi ngao nơi bà con đang nơm nớp lo lắng... |
Ngay sau đó mới được biết, ngày 29-12-2010, UBND TP Hải Phòng đã cấp giấy phép số 2274/GP-UBND cho phép Cty Tân Vũ được khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp khu vực Gồ Nam, cửa sông Lạch Tray. Tổng diện tích khu vực khai thác là 96 ha, trữ lượng 3.910.686,16 m3 trong thời hạn 18,5 năm kể từ ngày được cấp phép. Tiếp đến, ngày 2-7-2014, UBND TP Hải Phòng ban hành Giấy phép sửa đổi bổ sung số 1467/GP-UBND điều chỉnh mục tiêu cung cấp cát làm vật liệu san lấp. Tại giấy phép bổ sung này có nêu rõ “nghiêm cấm việc chuyển nhượng Dự án cho doanh nghiệp khác dưới mọi hình thức”.
Theo tìm hiểu được biết, phía công ty được cấp phép là một đơn vị yếu năng lực. Điều này được thể hiện qua việc ngày 11-5-2017, HĐND TP Hải Phòng ban hành Thông báo số 49/TB-HĐND thông báo kết luận của Đoàn giám sát chuyên đề HĐND thành phố đối với Cty Tân Vũ về tình hình sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản trong 2 năm 2015 và 2016.
Tại kết luận đã nêu rõ, Cty Tân Vũ chưa huy động được các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện trang thiết bị kỹ thuật khai thác để có đủ năng lực khai thác, thiếu năng lực cạnh tranh để có hợp đồng san lấp, sản lượng khai thác hàng năm còn rất thấp, sản lượng khai thác không đúng giấy phép, do đó giá thành khai thác cao, chưa phát huy được hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cty được cấp phép từ năm 2010 vậy mà đến khi thanh tra vẫn nợ Ngân sách Nhà nước trên 2,5 tỷ (chủ yếu là thuế tài nguyên) và nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 1,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hệ thống phao tiêu, biển báo ranh giới khu vực khai thác chưa được duy trì thường xuyên theo quy định của pháp luật. Điều này bà con ngư dân cho biết họ không thể biết đâu là mỏ đã được cấp phép để tránh khỏi khu vực trên.
Cũng theo kết luận thì đến thời điểm 11-5-2017, phía công ty vẫn chưa thực hiện quan trắc môi trường, báo cáo kết quả quan trắc môi trường theo quy định. Thậm trí, các cơ quan chức năng chưa được đơn vị này báo cáo về việc niêm yết công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Để tìm hiểu thêm thông tin về sự việc, phóng viên báo PL&XH đã đặt lịch làm việc với UBND TP Hải Phòng và Sở TN&MT Hải Phòng để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc nhưng cho đến tận bây giờ các ngành chức năng tại đây vẫn “quên phản hồi” báo chí về vụ việc trên.
Hiện nay ngư dân thì vẫn đang trong tình trạng nơm nớp lo lắng bởi số ngao giống hàng chục tỉ đồng đã được thả ra biển không biết số phận sẽ đi về đâu. Các chòi ngao hiện giờ đã trở thành các tròi canh tàu cát. Vậy các ngành chức năng cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm để ngư dân yên tâm bám biển.
Tại Điều 80 Luật đất đai 2003 đã nêu rất rõ:
Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển chưa sử dụng được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn giao đất còn lại.
Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng.