Tin địa phương

Hải Phòng: Nhức nhối rác thải ở các xã nông thôn mới

Admin

Dù đã về đích nông thôn mới (NTM) rất sớm và đang xây dựng NTM kiểu mẫu tại nhiều xã nhưng vấn đề rác thải nông thôn tại Hải Phòng vẫn rất nhức nhối.

 Rác thải vứt bừa bãi rồi đốt cháy nghi ngút tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Mới đây, đoàn công tác của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương kiểm tra thực tế tại huyện An Dương và huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã kết luận một số tiêu chí cần bổ sung và một số tiêu chí chưa bền vững, trong đó, đáng lưu ý nhất là về vấn đề môi trường, rác thải.

Phát biểu tại cuộc họp sau đó, trưởng đoàn công tác, ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương đã thẳng thắn rằng: “Về môi trường vẫn còn chưa ổn, nhất là thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, cảnh quan môi trường, rác xây dựng, lấn chiếm kênh mương, lòng đường, vỉa hè. Việc này đề nghị địa phương tiếp tục rà soát, xử lý. Trước mắt, chấm dứt tình trạng đốt rác thải nhựa, túi bóng,… vi phạm quy định về môi trường”.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng, về tiêu chí môi trường, lãnh đạo TP đã chỉ đạo, tất cả các xã sau khi hoàn thiện xây dựng NTM thì tập trung về khu xử lý rác, không để tập trung xử lý ở xã hay ở huyện. Hiện tại, ngoài việc cấp 130 tỷ để xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại Cát Hải, thành phố cũng bố trí 2.000 tỷ để xây dựng khu xử lý rác thải BiGas. Mặt khác, TP đang cho khảo sát cho xây dựng nhà máy nghiền rác tại Đình Vũ với công suất khoảng 2.000 tấn/1 ngày, tổng mức đầu tư khoảng 215 triệu USD.

Theo tìm hiểu của PV, vấn đề mà đoàn công tác đóng góp là sát thực tế bởi nhiều năm qua, rác thải nông thôn là vấn đề nhức nhối của người dân và các cấp chính quyền tại Hải Phòng, đến nay dù đã có hướng xử lý tại các khu tập trung nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, người dân đang mất ăn mất ngủ, thậm chỉ bỏ cả ruộng khu vực gần bãi rác Thanh Lãng. Theo phản ánh của người dân thôn 9, đây là khu vực đổ rác của cả xã và đã nhiều tháng nay, rác thải trên địa bàn không được thu gom, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh.

Rác thải xuất hiện ngay tại ngã 3 đường tỉnh lộ 352 và rải rác khoảng 500m cho đến ngã tư đường bê tông nội đồng thì thành luôn bãi tập kết rác thải dân cư. Rác nhiều đến nỗi phủ gần như kín cả 1 đoạn đường dài đến vài trăm mét. Khu bãi rác án ngữ trước con đường có mật độ giao thông cao. Nhiều người dường như đã quen với xự xuất hiện của bãi rác nên khi chạy xe máy qua chỉ bịt mũi rồi buông 1 câu như xả cơn bực dọc trong người.

Theo người dân địa phương, rác thải không có người thu gom, gây ô nhiễm không chỉ người dân xã Chính Mỹ mà hệ lụy ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng tới người dân xã Quảng Thanh. Hàng nghìn người dân bấy lâu nay đã phải sống chung với rác mà chính quyền chưa có phương án xử lí kịp thời.

Ông Trần Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Chính Mỹ, thừa nhận: Trước đây có Công ty Môi trường Tân Phát thu gom rác nhưng do không tìm được chỗ đổ rác và không đảm bảo phí dịch vụ xử lí rác nên họ cắt hợp đồng không thu gom rác nữa. Tình trạng này diễn ra từ đầu năm đến nay, đây là vấn đề nhức nhối của cả huyện chứ không riêng gì địa phương.

 Chôn lấp rác thủ công tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Tiếp tục tìm hiểu cho thấy, thực tế vấn đề rác thải nông thông đang “bức tử” các làng quê không chỉ xảy ra ở Thủy Nguyên mà còn ở An Lão, Kiến An, Kiến Thụy… Có nơi liên quan đến thu gom, nơi thì liên quan đến đốt rác, xử lí rác không đảm bảo.

Theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo TP Hải Phòng, những xã NTM kiểu mẫu, sau khi được công nhận sẽ không được chôn rác mà phải mang về khu xử lý tập trung của thành phố. Tuy nhiên, tại các xã đang xây dựng NTM kiểu mẫu, hầu như vấn đề này vẫn đang được xem là bài toán chưa có lời giải.

Ông Vũ Duy Quận – Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, địa phương được lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện Kiến Thụy, cho biết: “Trên địa bàn có 3 bãi rác lớn, địa phương đang trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, các hạng mục chưa xong, nên hiện tại rác vẫn đang được chôn lấp. Tuy nhiên, do diện tích các bãi rác hạn chế nên có thời gian quá tải, người dân nhiều lần bức xúc phản ánh với chính quyền”

Tìm hiểu của PV, trên địa TP Hải Phòng có nhiều doanh nghiệp tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn. Song do vướng mắc về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, hiện hoạt động của các doanh nghiệp này đều khó khăn, có doanh nghiệp đã phải thu hẹp lại quy mô. Mặt khác, mức giá dịch vụ thu gom rác thải trên địa bàn khu vực nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tách bạch mức giá giữa 3 khâu: thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Cụ thể, nếu căn cứ theo Nghị quyết 09 của HĐND thành phố, khâu thu gom rác được thu từ nguồn xã hội hóa; khâu vận chuyển, xử lý rác thải được hỗ trợ từ ngân sách thành phố và các địa phương. Song qua nhiều năm hoạt động, dù nhiều lần kiến nghị, nhiều doanh nghiệp không được bất kỳ nguồn ngân sách nào hỗ trợ cho hoạt động vận chuyển, xử lý rác thải.

"Tất cả chi phí từ thu gom đến xử lý, công ty đều phải hạch toán qua nguồn thu phí của các hộ dân. Nguồn thu này không bảo đảm được chi phí hoạt động do vướng mắc từ giá dịch vụ thành phố quy định. Do đó, để bảo đảm hoạt động dịch vụ, chúng tôi kiến nghị thành phố xem xét, điều chỉnh lại quy định giá dịch vụ vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn:, lãnh đạo một đơn vi thu gom rác thải nông thôn cho hay.

Điều này cho thấy khi mức giá dịch vụ thu gom rác thải trên địa bàn khu vực nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tách bạch mức giá giữa 3 khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thì rất khó xử lí triệt để được vấn đề rác thải nông thôn. Và sẽ rất khó để có thể xây dựng nông thôn Hải Phòng thành những miền quê đáng sống như mục tiêu đã đề ra.

Liên quan đến vấn đề này, theo Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, rác thải khu vực nông thôn có nhiều vấn đề liên quan, xử lý có nhiều vướng mắc. Ví dụ như việc không được xây dựng nhà máy rác mini tại các địa phương, trong khi việc thu gom rác thải tại các địa phương về khu xử lý rác tập trung vẫn chưa đực hiện tốt.

“Hiện tại các giải pháp thực hiện đang giống như bắt cóc bỏ đĩa, cần một giải pháp dài hạn. Giờ rác thải nông thôn giờ có mấy cái lò đốt rác, lại không được làm, theo quy định bây giờ, xã NTM thì không được chôn lấp rác, chúng tôi rất trăn trở”, một lãnh đạo Chi cục phát triển nông thôn chia sẻ.

Theo UBND TP Hải Phòng, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình này, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, vượt nhiều chỉ tiêu mà trung ương đề ra trong việc thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Theo kết quả rà soát, số tiêu chí về nông thôn mới bình quân đạt 5,76 tiêu chí/xã, nhiều xã mới đạt 2 - 3 tiêu chí. Tính đến năm 2019, thành phố đã có 139/139 xã hoàn thành xây dựng NTM (bình quân toàn quốc là 50,26% và vùng Đồng bằng sông Hồng là 83,69%).

Chất lượng nhiều tiêu chí cũng đạt ở mức cao hơn so với chuẩn NTM mà Trung ương đề ra. Cụ thể, các trục đường giao thông thôn, xóm, nội đồng đều được bê tông hóa (trung ương quy định chỉ cần cứng hóa). Tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp tưới tiêu chủ động đạt 100% (trung ương quy định 80%).

Đặc biệt, tỉ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch nông thôn đến nay đã đạt 92,1% (trung ương quy định 65%) và tỉ lệ hộ nghèo hiện còn khoảng 1% (cả nước hiện nay là 4,5%).

Tác giả: ĐINH MƯỜI

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam