Tin địa phương

Hải Phòng: Tạm đình chỉ xưởng sản xuất mũ giày “chui” tại huyện Vĩnh Bảo

Admin

Sau khi báo Pháp luật Việt Nam có bài viết “Hải Phòng: Ẩn họa từ nhà xưởng sản xuất mũ giầy “chui” tại huyện Vĩnh Bảo”, ngày 2/4, UBND huyện Vĩnh Bảo đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật của xưởng may mũ giày Phong Ích (thôn Tân Lập, xã Cao Minh). Trước đó, ngày 29/3, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hải Phòng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động của nhà xưởng này.

 Xưởng sản xuất bị tạm đình chỉ do không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy

Quyết định tạm đình chỉ hoạt động của xưởng may mũ giày Phong Ích có số 124/QĐTDC-CSPCCC được Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng ký. Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy, căn cứ các văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều Luật PCCC, quyết định trên ghi rõ: Điểm kinh doanh số 5 Cty TNHH sản xuất Hải Lâm – Xưởng may mũ giày Phong Ích tại thôn Tân Lập, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo do bà Lê Thúy Hằng làm giám đốc bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 1 tháng từ 29/3/2018 đến 28/4/2018.

Khi có những thông tin về xưởng mũ giày hoạt động không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, ngày 26/3, Phòng Cảnh sát PCCC số 10 đã tiến hành kiểm tra xưởng may mũ giày Phong Ích, phát hiện đơn vị chưa có hồ sơ, văn bản liên quan đến công tác PCCC. Cụ thể, cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu công trình PCCC theo quy định đồng thời chưa xây dựng phương án chữa cháy cơ sở, chưa thành lập Đội PCCC cơ sở theo quy định. Phòng Cảnh sát PCCC số 10 đã yêu cầu chủ cơ sở trình hồ sơ thiết kế công trình về cơ quan Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng để thẩm duyệt về PCCC và công trình chỉ được đưa vào hoạt động khi đã được nghiệm thu về PCCC, xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở theo quy định.

Như báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, xưởng may mũ giày Phong Ích nằm ngay trên trục đường chính vào trụ sở UBND xã Cao Minh với diện tích trên 1.000 mét vuông. Xưởng may đi vào hoạt động từ nhiều ngày qua với số lượng công nhân lớn, tuy nhiên lại chưa hoàn thiện bất cứ thủ tục pháp lý nào theo quy định pháp luật.

Từ đầu tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Trường (trú tại thôn Tân Lập, xã Cao Minh) đã ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng với công ty TNHH sản xuất Hải Lâm (có trụ sở tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng). Sau đó, phía công ty TNHH sản xuất Hải Lâm đã tiến hành “đại tu” nhà xưởng để bắt đầu hoạt động. Được biết, tại nhà xưởng, hiện có 4 người Trung Quốc đang làm việc nhưng chưa đăng ký tạm trú hay lưu trú trên địa bàn.

Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, ông Đặng Văn Chúc, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, ngày 2/4, UBND huyện Vĩnh Bảo sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật của xưởng may mũ giày Phong Ích.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.