Thành phố Hải Phòng thu ngân sách đạt kết quả ấn tượng |
Theo báo cáo của Thành ủy Hải Phòng về lĩnh vực kinh tế, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng ước đạt 12,32%%, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 108.674,96 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán Trung ương giao và 102,9% dự toán HĐND thành phố giao, trong đó: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 66.000 tỷ đồng, đạt 118% dự toán Trung ương giao và 110% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa ước 41.000 tỷ đồng, đạt 129,2% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao.
Sản lượng hàng qua cảng cả năm là 168 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch HĐND thành phố giao. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.
Nhìn chung, các chỉ tiêu kinh tế của thành phố năm 2022 đều tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên không đạt kế hoạch HĐND thành phố giao. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,5% (kế hoạch giao 19 - 20%); kim ngạch xuất khẩu 29 tỷ USD (kế hoạch giao 31 tỷ); tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 180.000 tỷ đồng (kế hoạch giao 200.000 tỷ đồng). Số lượt khách du lịch đến Hải Phòng dự kiến đạt 7 triệu lượt bằng 154,53% kế hoạch giao (4,53 triệu lượt).
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay. Thành phố lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính năm 2021. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 52,8% so với cùng kỳ (năm 2021 là 3,13 tỷ USD), đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt, chuẩn bị khởi công, điển hình như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - Đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; dự án đầu tư Hạ tầng KCN Tiên Thanh; dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi…Các dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Tổng kết lại, năm 2022, thành phố Hải Phòng đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại kỳ họp thứ 4 khóa XVI, nhiệm kì 2021-2026, chính thức trở thành thành viên thứ 3 của CLB thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng cùng với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Trước những thành tựu nổi bật trên, ông Trần Lưu Quang Bí thư Thành ủy Hải Phòng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân. Thành ủy - HĐND - UBND thành phố đã có những đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, luôn duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, vững vàng trước khó khăn, thách thức.
Cũng theo Bí thư Trần Lưu Quang, năm 2023, Hải Phòng tiếp tục lựa chọn chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, có những giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại.
Năm 2023, Hải Phòng đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khoảng 12,7% - 13% so với năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 8.150 USD; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 116.181,187 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 42.500 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 190.000 tỷ đồng; Thu hút khách du lịch đạt trên 7,3 triệu lượt khách; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,0 - 2,5 tỷ USD…tiếp tục phấn đấu giữ vị trí cao trong CLB thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: vneconomy.vn