Kinh tế

Hải Phòng: Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử

Lan Anh

Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối qua các nền tảng số, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, giao thương, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm ở các vùng xa và biển đảo.

Hội LHPN thành phố Hải Phòng hỗ trợ hội viên phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm

Chị Cao Thị Hằng - Giám đốc Hợp tác xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng cho biết: Trong những năm qua, hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty xuất khẩu nông sản, thực phẩm đưa nhiều loại nông sản, như: Bí, bắp cải, ớt, khoai tây… của bà con nông dân trong xã lên các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, hiện hợp tác xã mới chỉ tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok…, nên khách hàng phần lớn là từ các vùng miền trong nước.

Mục tiêu của hợp tác xã trong thời gian tới là có thể tiếp cận và bán hàng tại các thị trường quốc tế mà không phải qua trung gian. Tuy nhiên, hợp tác xã đang còn gặp phải những hạn chế liên quan đến các thông tin về các quy định liên quan thị trường nước ngoài; kiến thức trong thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là hạn chế về công nghệ, ngoại ngữ…

Hạn chế của Hợp tác xã Thắng Thủy cũng là vướng mắc chung nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hải Phòng gặp phải. Theo thống kê, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử những năm qua tại Hải Phòng chiếm khoảng 16-18% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn thành phố, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23-25%/năm; hằng năm có 55-60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế…

Sở Công Thương Hải Phòng kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Diễn đàn CEO - Cất cánh toàn cầu cùng Amazon”

Kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng số

Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng - Nguyễn Văn Thành cho biết: Việc áp dụng công nghệ số và tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, TP. Hải Phòng chú trọng kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp phân phối truyền thống, nhà sản xuất. Đồng thời, thành phố ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; triển khai giải pháp phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho doanh nghiệp Hải Phòng.

Nhờ các hội nghị kết nối, hàng trăm các sản phẩm nông nghiệp địa phương và nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác. Sở Công Thương Hải Phòng cũng duy trì quản lý, vận hành, cập nhật các địa điểm mua sắm trên "Bản đồ mua sắm số TP. Hải Phòng".

Hội LHPN thành phố Hải Phòng hỗ trợ hội viên, phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm

Tại các cấp Hội phụ nữ, theo chia sẻ của bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hải Phòng, hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, chuyển đổi số cũng được Hội LHPN thành phố triển khai tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ, thành viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển thành phố, với mong muốn động viên, khích lệ tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực tiếp cận nền kinh tế số, định hướng phát triển kinh tế xanh bền vững.

Đồng thời, các cấp Hội cũng tìm kiếm, hỗ trợ các ý tưởng/dự án khởi nghiệp sáng tạo xuất sắc của phụ nữ thành phố hướng đến sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất hữu cơ, sạch, tuần hoàn, thân thiện với môi trường; tạo môi trường kết nối, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sản xuất kinh doanh của phụ nữ Hải Phòng thông qua ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số... Từ đó, giúp các nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp tự tin gia nhập vào nền kinh tế số và kích cầu tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử.