Công chức Hải quan Hải Phòng phân tích thông tin về manifest trên hệ thống thông tin nghiệp vụ. Ảnh: Ngọc Linh. |
Gần 1.000 container phế liệu nhựa tồn đọng
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến ngày 1/8/2018, tại khu vực cảng Hải Phòng có 1.000 container phế liệu tồn đọng (quá hạn làm thủ tục 90 ngày). Trong đó, có đến 956 container là phế liệu nhựa; sắt phế liệu 33 container; phế liệu giấy 8 container; nhôm phế liệu 3 container.
Trên thực tế, mặt hàng phế liệu nhựa tiềm ẩn nguy cơ cao nhất về ô nhiễm môi trường và qua kiểm tra của Cục Hải quan Hải Phòng tại cảng VIP GREEN mới đây, tất cả 5 container phế liệu nhựa được kiểm tra đều chứa các loại rác thải, không đáp ứng yêu cầu NK.
Liên quan đến thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về quản lý phế liệu NK, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) Nguyễn Quốc Cường cho biết: Thực hiện công văn 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 của Tổng cục Hải quan, Hải quan Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, bằng nhiều biện pháp đồng bộ.
Đó là, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, đại lý hãng tàu, DN kho bãi cảng… tuyên truyền đến DN đang có hoạt động NK phế liệu, để DN, người dân hiểu và chấp hành tốt chính sách pháp luật. Đồng thời để DN kinh doanh cảng, đại lý hãng tàu, chủ tàu… thực hiện ngăn chặn từ xa những lô hàng không đủ điều kiện NK, vi phạm pháp luật hải quan hoặc chưa có giấy phép…
Một kinh nghiệm được ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ là phân tích, đánh giá thông tin từ manifest. Theo đó, để phòng ngừa, từ khi DN khai báo bản lược khai hàng hóa, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng hóa không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu, cơ quan Hải quan phát đi thông tin cảnh báo đối với DN kinh doanh cảng, chủ tàu, đại lý hãng tàu yêu cầu DN NK phải khai báo rõ về số giấy phép NK, tên hàng NK.
“Nếu lô hàng không đủ điều kiện phải vận chuyển ngược về nước XK, không được phép đưa xuống cảng biển Việt Nam. Thời gian qua, một vài trường hợp đã bị hãng tàu giữ lại trên tàu để chuyển trả về nước XK”- Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) thông tin.
Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết: Theo quy định, trước khi tàu cập cảng Việt Nam, chủ tàu, đại lý hãng tàu phải khai báo manifest, trong đó có thông tin về những lô hàng dự kiến được làm thủ tục NK vào Việt Nam.
Trách nhiệm của CBCC là tiến hành tra cứu thông tin trên hệ thống nghiệp vụ để xác định tên hàng, DN có thuộc danh sách được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép NK phế liệu không. Nêu thông tin chưa đầy đủ sẽ yêu cầu chủ tàu, đại lý hãng tàu, DN NK khai báo bổ sung đầy đủ mới được làm thủ tục nhập cảnh.
Với các giải pháp quyết liệt gần đây, lượng phế liệu NK đưa về cảng Hải Phòng đang có chiều hướng giảm.
Các container phế liệu nhựa tồn đọng tại khu vực cảng Hải Phòng tiềm ẩn nguy cơ cao chứa rác thải. Ảnh: Ngọc Linh. |
Chú trọng phòng ngừa từ xa
Để tiếp tục quản lý hiệu quả hơn nữa vấn đề phế liệu NK, lãnh đạo Phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho rằng: Trước tiên phải tuyên truyền, vận động người dân, DN, cơ quan quản lý cảng, đại lý hãng tàu, chủ tàu… thực hiện nghiêm quy định về quản lý, NK phế liệu.
Đặc biệt, các DN phải ý thức được việc những lô hàng phế liệu phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn mới được xếp lên tàu để đưa về Việt Nam. Điều này giúp hạn chế tối đa việc đưa các lô hàng không đạt tiêu chuẩn về khu vực cảng biển Việt Nam và cơ quan chức năng lại phải vất vả xử lý. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, đây là biện pháp tốt nhất có thể trong thời điểm hiện nay.
Đối với các container quá hạn ở khu vực cảng Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng đã có kế hoạch tổng thể để xử lý từ năm 2013 đến nay. Gần đây, cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Tông cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, phân loại đối tượng, đưa ra những nhóm tồn đọng cụ thể để có biện pháp xử lý hiệu quả.