Xã hội

Hầm chui đường 34.500 tỷ dùng băng keo chống thấm: Hé lộ...

Admin

Lớp băng keo được gián chằng chịt tại hầm chui trên đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng để chống thấm đã khiến dư luận tranh cãi gay gắt.

Ngày 21/11/2018, hình ảnh hầm chui đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng đoạn qua xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam được chống thấm bằng nhiều lớp gián băng keo chằng chịt được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo quan sát, tại hầm chui này có 4 điểm được dán băng keo. Đoạn đường này mới được thông xe vào đầu tháng 9/2018 nhưng ngay sau đó đã xuất hiện tình trạng thấm nước, ảnh hưởng tới việc người dân lưu thông qua cầu.

 Hầm chui trên tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng được dính băng keo sau khi sử dụng vật liệu chống thấm (Ảnh Tri thức trực tuyến)

Ông Lê Quang Hào - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết trên báo chí, lớp băng keo này được gián là để bảo vệ vật liệu chống thấm Sika mà nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) bơm vào để xử lý chống thấm tại hầm chui.

Nhận định với Đất Việt về vấn đề này, TS Trần Huy Cường - Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc gián lớp băng keo để bảo vệ lớp chống thấm Sika không phải là chuyện lạ, điều đó sẽ giúp cho lớp chống thấm này có môi trường ổn định trong khoảng thời gian nhất định để ổn định kết câu, không bị tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Nhưng điều khiến ông Cường băn khoăn lại nằm ở lớp Sika chống thấm. "Qua hình ảnh mà nhiều cơ quan báo chí đăng tải, có thể đây là lớp Sika chống thấm loại băng keo, một trong những sản phẩm chống thấm có kỹ thuật thi công khó và thường chỉ dùng trong các trường hợp cuối cùng khi mà các lớp chống thấm khác không hiệu quả" - ông Cường cho biết.

Điều đó khiến ông Cường liên tưởng đến việc, có thể sự cố thấm nước hầm chui tại vị trí chống thấm này không phải do yếu tố khách quan mà có thể do kỹ thuật thi công khiến chất lượng công trình bị ảnh hưởng, dẫn tới thấm dột.

 Cận cảnh lớp chống thấm mà nhà thầu mới xử lý qua hầm chui đường cao tốc 34.500 tỷ đồng.

"Khi các khe nối không được xử lý kín sẽ dẫn tới thấm dột. Hoặc có thể kết cấu bê tông, mặt đường bị nứt cũng dẫn tới hiện tượng thấm nước thì mới phải dùng đến keo chống thấm này để bịt kín các kẽ nứt, hở..." - ông Cường nói.

Điều này khác hẳn với lý giải trước đó của VEC khi giải thích hiện tượng thấm nước tại các hầm chui trên tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng vào cuối tháng 10/2018.

Thời điểm đó, VEC cho rằng, việc thấm nước và đọng nước dưới chân cầu chui do hệ thống thoát nước mặt cầu chưa hoàn thiện. Tại một số vị trí phễu thu nước và ống nhựa dẫn nước tuy đã được lắp đặt nhưng chưa đảm bảo kín khít, vì vậy có hiện tượng chảy lan không tập trung từ mặt cầu xuống.

Khi nước mặt cầu thoát xuống dưới gầm cầu, nhà thầu chưa thi công rãnh dẫn nước về cống tròn gần đó, dẫn đến nước mưa chảy lênh láng dưới gầm cầu, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân địa phương.