Cuộc sống

Hành trình nghiệt ngã của những cô vợ 'đào tẩu' khỏi cuộc hôn nhân mà mình từng nâng niu, hy vọng

Admin

Chị H. bỏ trốn khỏi nhà, mang theo chiếc xe máy và 200 nghìn cùng 2 đứa con, ước mơ duy nhất của chị là có thể cao chạy xa bay khỏi gã chồng vũ phu đã hành hạ chị suốt 18 năm trời.

18 năm hôn nhân địa ngục

Lấy chồng năm 19 tuổi ở một vùng quê Bắc bộ nhờ mai mối, 2 vợ chồng chị H. (Bắc Ninh) đều làm nông. Chị cũng từng mơ 1 mái ấm bình dị, dù vất vả tay chân cũng được, nhưng có nhiều tiếng cười thế là hạnh phúc. Thế nhưng chị nhận ra điều bất thường ngay sau khi lấy nhau, chồng chị có sở thích cứ say rượu là đánh vợ. “10 ngày thì anh ta có 9 ngày say và tôi đã trải qua 18 năm hôn nhân sống trong sợ hãi”, chị H. kể.

Chị có 6 lần sinh nở, nhưng chỉ có 2 đứa con. Cũng vì lúc bầu bí lao động quá vất vả, có khi bị đánh đến không giữ được thai. Hiện tại con trai, con gái chị không còn nhỏ, con gái đầu xinh xắn, nhưng con trai thì có tật ở chân và tay. Lúc chị quyết định giải thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục này, chị nói rằng đi làm xa để kiếm cơm, cả 2 đứa con đều nhất nhất theo mẹ. Chúng đã chứng kiến quá nhiều lần những đòn đánh dã man của bố với mẹ, với chúng…

 Ảnh minh họa

Chị H. vốn là nông dân, được cha mẹ dạy dỗ lấy chồng phải theo nhà chồng, đừng nên bướng hay cãi vã. Quan niệm ấy hằn sâu trong tâm trí, chị H. cứ thế im lặng chịu đựng. Tuy nhiên, chồng chị cứ uống rượu là đánh vợ. Mà anh ta, 10 ngày thì 9 ngày say. Đánh rồi xin lỗi, rồi lại đánh… Cái vòng bạo lực luẩn quẩn cứ thế lặp lại suốt nhiều năm trời.

Chị H. kể, do kinh tế khó khăn, chị từng phải bán hoa quả đêm. Khi chị nhờ chồng ra cùng dọn hàng xếp hàng, anh ta nói việc ai người nấy làm. Lúc chị mệt mỏi lê bước trở về nhà cùng chiếc xe hàng cồng kềnh thì chồng chị ập đến như một cơn bão tố. Chồng chị đổ lỗi cho chị là làm điều gì khuất tất bên ngoài và chốt cửa “dạy dỗ”.

Vai chị rung khẽ khi nhớ lại kí ức kinh hoàng ấy: “Mỗi lần đánh vợ anh ta luôn đổ lỗi tôi đáng bị như vậy. Cũng có lúc tôi đã tin điều anh ta nói. Rất nhiều lần tôi phải nhập viện điều trị dài ngày”.

Hỏi chị vì sao lại chịu đựng đến lâu thế, vì sao không vùng lên, sao để cho gã đàn ông mình gọi là chồng bạo hành một cách tàn nhẫn như thế?

Chị bảo: “Vì tôi vẫn có hy vọng đến lúc nào đó anh sẽ thay đổi. Tôi thương 2 đứa con nhỏ. Vì mẹ tôi dạy lấy chồng phải nghe lời chồng”.

Trên cơ thể của chị H. chi chít những vết sẹo mà nhiều lúc sờ đến nó chị lại chảy nước mắt.

Người phụ nữ bị chồng bạo hành suốt 10 năm quyết mang 200 ngàn đi tìm tự do

Chị T. (45 tuổi ở Hải Dương) đã bị chồng bạo hành suốt 10 năm hôn nhân. Kể từ ngày anh gặp tai nạn lao động, thay tính đổi nết nên đối xử với vợ chẳng khác nào bao cát. Cũng vì nghĩ hoàn cảnh khiến anh thay đổi chứ bản chất anh không thế nên chị T. cam chịu chờ 1 ngày điều kì diệu xảy ra.

 Ảnh minh họa

Một ngày tức nước vỡ bờ, sau một trận đòn thừa sống thiếu chết, chị T. quyết định phải thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục. Lúc dắt chiếc xe ra khỏi nhà, 3 mẹ con chỉ có quần áo trên người và 200 ngàn. 3 mẹ con tới Hà Nội thì còn 21 ngàn. Ngay lập tức chị kiếm việc từ rửa bát thuê, đứng bán hủ tiếu để lấy tiền cho con ăn học.

Chị nói may bù lại chị cũng có nhiều người thương giúp đỡ để cứu vớt cuộc sống của mẹ con chị. Những tháng ngày này tuy cực khổ nhưng chị có được tự do, như được sống lại lần nữa.

Tuy nhiên, chồng chị lại tiếp tục cái vòng tròn luẩn quẩn vừa nhắc ở trên, anh ta gọi điện xin tha thứ, xin theo mẹ con chị lên thành phố làm ăn, xây dựng lại cuộc sống gia đình. Như bao người phụ nữ khác, chị mủi lòng, những tưởng chồng đã thay đổi. Và đây, lại là một sai lầm. 18 năm, tính cách ấy, không dễ gì khiến một người đàn ông thay đổi trong chớp mắt. Anh ta tiếp tục đánh vợ, đánh con ngay ngày thứ 2 đoàn tụ. 3 mẹ con chị lại mang nhau bỏ trốn.

Sau này anh ta lại lấy cớ gặp con, lấy cớ cho con tiền để dụ chị đến và tiếp tục đánh. Chị rút kinh nghiệm cắt đứt mọi liên lạc với gã chồng vũ phu. Thế nhưng, bằng nhiều cách khác nhau, anh ta vẫn tìm được mẹ con chị. Sau những lần như thế, mẹ con chị lại loay hoay chuyển nơi ở, như một cách đầy bản năng để thoát thân.

Chị đã quá sợ hãi một gã đàn ông nhân danh chồng để bạo hành vợ và những đứa con là máu mủ của mình.

Sự cam chịu của cô gái trẻ

Cũng như chị T., M. (Bắc Giang) tuy mới ngoài 20 nhưng nhìn cô chẳng khác nào phụ nữ trung niên. Phần vì vất vả phần cũng vì bị hành hạ tinh thần, thể xác suốt 4 năm hôn nhân.

Học xong cấp 3 M. lấy luôn 1 anh thanh niên cùng làng. Hai vợ chồng ban đầu chăm chỉ chịu khó làm ăn. M. đi làm thuê, ai thuê gì chị cũng làm, những công việc tay chân vất vả để kiếm sống như dọn nhà, rửa bát thậm chí là phụ hồ…

Ngỡ tưởng 1 túp lều tranh 2 trái tim vàng thì gã đàn ông ấy dần lộ mặt thật. Anh ta chơi bời lêu lổng, đi làm về muộn lúc nào cũng sặc mùi rượu. Cứ hễ uống rượu anh ta lại hành vợ, lúc thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay, lúc chờ đến khi con ngủ anh ta bạo hành kiểu khác.

 Ảnh minh họa

Cho đến 1 ngày mẹ M. khóc ngất đi khi được tận mắt chứng kiến con gái mình sống khổ sở thế nào M. mới có động lực thoát ra.

“Sau này khi sống 1 cuộc đời ra sống em mới nghĩ sao không thoát thân sớm hơn? Sao em lại phải chịu đựng bấy nhiêu năm qua để sống khổ sở như vậy. Không chỉ em mà con em cũng là nạn nhân nữa. Giờ ước nguyện của em là các con ổn định mẹ con bấu víu nương tựa nhau”.

Hiện tại, mặc dù đã sống tự do, nhưng điều M. mong mỏi chính là giải quyết xong thủ tục ly hôn để thoát hoàn toàn khỏi gã chồng tệ bạc. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc với cô bây giờ chính là có thể kết thúc tốt đẹp và người cũ đừng bao giờ tìm tới nữa.

Câu chuyện của chị H., chị T., M. và rất nhiều người phụ nữ bị chồng bạo hành khác đang hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày với những hệ quả đau lòng ở nhiều mức độ khác nhau.

Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ và trẻ em của Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ (63%) đã từng chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/ bạn tình gây ra trong đời.

Cũng nói về tình trạng bạo lực, mới đây trong chuyến đi khảo sát tại một số địa phương, ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thông tin, qua thực tế cho thấy 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp.

Theo ông Đồng, người bị bạo lực thường không nói ra việc họ bị bạo lực vì họ thấy không an toàn, thực tế có người đã nói ra nhưng không được hỗ trợ kịp thời và đã bị người chồng gây bạo lực thêm, nhiều người bị bạo lực cũng cho rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng trong gia đình.

Đó là thực trạng nơi dự án triển khai tại Yên Bái, Nghệ An, các nạn nhân thường không biết tìm đến đâu và gặp ai để tìm kiếm sự giúp đỡ. Có người đi tìm hỗ trợ nhưng không được hỗ trợ vì có rào cản ở người xử lý, hoặc không xử lý quyết liệt.

Từ năm 2009 đến năm 2017, tổng số vụ bạo hành gia đình được thống kê là 292.268 vụ. Trung bình mỗi năm xảy ra 36.534 vụ bạo lực gia đình, chưa kể những vụ việc không được phát hiện và thống kê.

Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Người chồng bạo lực về thể chất với vợ là dạng dễ nhận thấy và cần được lên án mạnh mẽ nhất.

Tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 5, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo đó phải "gia cố" nhiều hơn nữa các biện pháp "phòng" và mối quan hệ giữa "phòng" với "chống" để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình.

Các ý kiến thảo luận cho rằng, nhiều quy định trước đây đã không theo kịp diễn biến và bao quát được tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực về tinh thần, tình dục và kinh tế. Bởi vậy, việc nhận diện các hành vi bạo lực là điều cần thiết và có ý nghĩa tiên quyết trong giải quyết các vụ bạo lực gia đình. Tức là phải "đo lường", "lượng hóa" biểu hiện bạo lực rõ ràng hơn nữa để quy định cụ thể về các hành vi, từ đó mới có thể đưa ra chế tài, hình thức xử lý phù hợp.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trình kỳ họp Quốc hội vừa qua đã đưa ra 18 hành vi bạo lực gia đình, như: Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó…

Tuy nhiên, nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng như giới chuyên gia đã khuyến nghị nên bổ sung về hành vi sao cho cụ thể hơn, nhất là các hành vi "phi truyền thống" như bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực về kinh tế.

Tất nhiên, có những hành vi hiếm khi được các nạn nhân nói ra, ví như bạo hành tình dục, nhưng ít nhất những người làm luật cũng có thể dự báo và lượng hóa được các hành vi này.

Bên cạnh đó, cũng cần thiết xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích nạn nhân bạo hành chia sẻ tình trạng của mình; đồng thời hỗ trợ họ về tinh thần và phát triển kinh tế, nhất là với những người yếu thế để họ có thể tự chủ trong cuộc sống.

Tác giả: ĐX

Nguồn tin: toquoc.vn