Tin địa phương

Hồ chứa nước ngọt hơn trăm tỷ mới đưa vào sử dụng đã sạt lở

Admin

Khi được đưa vào sử dụng, hồ chứa nước ngọt Trân Châu đã giúp đảo Cát Bà giải bài toán thiếu nước ngọt sau nhiều năm. Tuy nhiên chưa được bao lâu thì hồ đã bị sạt lở

Hết bảo hành nửa năm thì sạt lở

Anh Nguyễn Gia Khánh, ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng cho biết: “Sau cơn mưa lớn xảy ra vào khoảng tháng 8/2022, người dân địa phương phát hiện hơn 10 điểm sạt lở ở khu vực bờ kè xung quanh hồ nước ngọt Trân Châu. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng “án binh bất động” không tiến hành sửa chữa. Người dân huyện đảo lo lắng thời điểm mùa hè nắng nóng, thêm bị thẩm thấu qua các điểm sạt lở sẽ khiến nước hồ nhanh cạn. Cát Bà có nguy cơ thiếu nước ngọt bởi hồ Trân Châu là một trong những hồ lớn cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước sạch”.

 Một số điểm sạt lở hồ Trân Châu.

Trước thực trạng Cát Bà thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt, trong đó nặng nề nhất vào những tháng hè, cao điểm của mùa du lịch. Năm 2010, từ nguồn vốn do Trung ương cấp kết hợp với ngân sách địa phương, chính quyền Tp.Hải Phòng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng làm chủ đầu tư 3 hồ chứa nước ngọt lớn, trong đó có hồ Trân Châu với sức chứa gần 300 nghìn m3. So với 2 hồ Xuân Đám và Phù Long, hồ Trân Châu trải qua nhiều truân chuyên. Được khởi công từ năm 2010, sau thời gian thi công cầm chừng, đến năm 2014, chủ đầu tư ngừng hẳn thi công do khó khăn về vốn.

Sau 6 năm “đắp chiếu”, đến năm 2020, Tp.Hải Phòng bố trí vốn và giao dự án cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp- Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện công trình. Đơn vị thi công là Công ty Xây dựng thuỷ lợi Hải Phòng. Đến đầu năm 2022, công trình hồ nước ngọt Trân Châu được bàn giao cho Công ty CP Cấp nước Hải Phòng khai thác và vận hành. Khi vừa hết thời gian bảo hành, đến tháng 8/2022 thì xảy ra sự cố sạt lở nhiều điểm xung quanh bờ kè của hồ.

 Mặt bờ kè hồ Trân Châu bị sạt lở.

 Hồ Trân Châu với nhiều điểm sạt lở.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Bùi Quang Hoằng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng lý giải nguyên nhân khiến của sự cố là do mưa lớn bất thường, lượng nước rất lớn từ các núi đá vôi gần đó xối thẳng làm bờ kè hồ Trân Châu bị sạt lở tại nhiều điểm.

Ông cho biết thêm, do hết thời gian bảo hành, hồ lại không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nên Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng đề xuất phương án cùng đơn vị khai thác và vận hành, chính quyền huyện Cát Hải chung tay đóng góp kinh phí sửa chữa.

Chậm trễ trong khắc phục sự cố

Từ tháng 8/2022 đến nay, các điểm sạt lở ở hồ Trân Châu chậm được sửa chữa khiến người dân huyện đảo, nhất là chủ các nhà hàng, khách sạn “đứng ngồi không yên”. Anh Nguyễn Thành Trung, chủ một khách sạn ở thị trấn Cát Bà lo lắng: “Dự kiến từ tháng 6 đến hết tháng 8/2023, du lịch Cát Bà đón hàng triệu lượt khách du lịch. Nếu nguồn cung cấp nước ngọt không ổn định, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn… khó bảo đảm chất lượng phục vụ du khách”.

Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cát Hải, cho biết: “Ngày 30/5/2023, UBND huyện Cát Hải tổ chức họp bàn với các bên liên quan. Phương án cùng chung tay bỏ ra kinh phí sửa chữa do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng đề xuất chưa nhận được sự đồng thuận. Để sớm khắc phục sự cố, chính quyền huyện Cát Hải báo cáo UBND Tp.Hải Phòng xem xét chỉ đạo hướng giải quyết”.

Trước lo lắng của người dân, chủ các nhà hàng, khách sạn ở Cát Bà về nguy cơ thiếu nước vào mùa cao điểm du lịch biển đảo, ông Nguyễn Bá Thắng, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Cát Bà (Công ty CP Cấp nước Hải Phòng), thông tin: “Vừa qua, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng tiến hành lắp đặt hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt dùng cho sinh hoạt trị giá khoảng 30 tỷ đồng với công suất 1.500 m3/ngày đêm tại Cát Bà. Hiện hệ thống đã đi vào hoạt động. Do vậy, thời gian tới, đơn vị cơ bản bảo đảm nguồn nước ngọt cho các hộ dân cũng như các cơ sở lưu trú, ăn uống”.

Theo những người làm du lịch lâu năm ở Cát Bà, trong tháng 7 và tháng 8 tới, dự kiến lượng du khách đến với “đảo Ngọc” sẽ tăng đột biến. Khi đó, nhu cầu dùng lượng ngọt tăng cao gấp 1,5-2 lần. Nếu sự cố tại hồ Trân Châu chậm được khắc phục, du lịch Cát Bà khó tránh khỏi tình trạng thiếu nước ngọt…

Tác giả: Tân Thắng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn