Bộ Nội vụ không khẳng định có chuyện thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh hay không vì đang trong quá trình điều tra của bộ Công an, nhưng lại thừa nhận hiện tại chỉ giữ 1 trong 2 bộ hồ sơ gốc nhận từ Hậu Giang. Điều đó khiến dư luận nghi ngại về sự minh bạch và quản lý lỏng lẻo trong công tác lưu trữ hồ sơ cán bộ, công chức.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) về vấn đề này.
Chưa có thông tin chính thức về việc thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. |
PV: Dư luận từng ồn ào đặt dấu hỏi về động thái “tẩu tán hồ sơ” khi sở Xây dựng Thanh Hóa không lưu giữ hồ sơ gốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh (từng làm Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản) lúc bà này nghỉ việc. Những lùm xùm quanh hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh một lần nữa cho thấy, dường như đang có một sự bất ổn trong lưu giữ, quản lý hồ sơ của cán bộ, thưa ông?
ĐBQH Trương Minh Hoàng: Vấn đề hồ sơ gốc của ông Trịnh Xuân Thanh đang được làm rõ nên tôi không bình luận cụ thể. Tuy nhiên, việc lưu giữ hồ sơ của cán bộ đã có quy định rất chặt chẽ, nếu ai quản lý lỏng lẻo để xảy ra sai sót, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hồ sơ có thể chia làm nhiều loại. Có những cán bộ nằm trong diện cần được bảo mật hồ sơ, lại có những cán bộ mà hồ sơ của họ chỉ một số đối tượng mới được biết. Hồ sơ của cán bộ thuộc loại nào, ai được biết, người đó sẽ chịu trách nhiệm.
Nhưng theo nguyên tắc, hồ sơ của cán bộ đảng viên chuyển đi hay chuyển đến, cơ quan chức năng không thể không biết. Nếu ai nói không biết là không đúng. Một cán bộ đảng viên bình thường khi chuyển hồ sơ từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc thậm chí chuyển ra nước ngoài đều có nguyên tắc riêng của quản lý hồ sơ, huống hồ với hồ sơ bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch tỉnh – cán bộ diện Ban Bí thư Trung ương quản lý.
Riêng trường hợp hồ sơ của ông Trịnh Xuân Thanh, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nên cần chờ kết quả cụ thể, không võ đoán được.
PV: Quản lý hồ sơ cấp Bộ mà có những bất ổn như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín?
ĐBQH Trương Minh Hoàng: Cá nhân tôi cho rằng, hồ sơ cán bộ được quản lý, lưu trữ theo những nguyên tắc nhất định, không thể có câu chuyện thất lạc. Nếu có thất lạc là do quá trình quản lý lỏng lẻo. Đương nhiên, cán bộ thiếu trách nhiệm, để thất lạc hồ sơ chỗ này, chỗ khác là điều có thể xảy ra trên thực tế. Vậy nên, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm như tôi đã nói.
PV: Đã có những ý kiến cho rằng, tồn tại một sự “mập mờ”, cố tình bao che sai phạm với trường hợp không lưu giữ hồ sơ gốc của bà Quỳnh Anh. Hiện, hồ sơ của ông Trịnh Xuân Thanh nằm ở đâu cũng cần sự vào cuộc của bộ Công an để làm rõ. Ông nghĩ sao về tính minh bạch trong vấn đề này?
ĐBQH Trương Minh Hoàng: Tôi thấy các quy trình hiện nay rất chặt chẽ. Ngay như quy trình bổ nhiệm cán bộ hoặc bổ nhiệm lại là rất chặt chẽ. Ví dụ, một người được bổ nhiệm chức vụ chưa đầy năm, sang vị trí khác phải làm đầy đủ trách nhiệm: Từ có ý kiến của chi bộ tại đơn vị, ý kiến của cán bộ địa phương nơi cư trú xác nhận, tự phê, đánh giá, khai lại lý lịch, kê khai tài sản...
Tuy nhiên, trong khi vận hành quy trình, có những người đã làm sai. Như vậy, cá nhân phải chịu trách nhiệm chứ đừng đổ lỗi do quy trình.
Nếu quy trình bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh có vấn đề ở đâu, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm ở đó, cũng như một loạt cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ thời gian qua. Cần lưu ý, cái sai trong vấn đề cán bộ không giống nhau, muôn hình vạn trạng: Có thể do mối quan hệ cá nhân, tình cảm... Bởi thế, cần chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng.
PV: Trịnh Xuân Thanh đã là đối tượng truy nã trong nước và quốc tế, mọi hồ sơ nếu cần phải có ngay chứ không chờ đợi lâu như vậy để xác minh. “Số phận” bộ hồ sơ sẽ ra sao nếu Trịnh Xuân Thanh không về Việt Nam đầu thú?
ĐBQH Trương Minh Hoàng: Điều này cần câu trả lời từ bộ Nội vụ. Tôi nghĩ cũng có thể do đang trong quá trình làm nên Bộ này chưa muốn thông tin đến dư luận.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!