Cuộc sống

Hổ thẹn vì gia đình chồng… quá tốt !

Admin

Bố mẹ tôi chia tay nhau từ hồi tôi còn học mẫu giáo, mẹ ở vậy nuôi tôi nên nhà chỉ có hai mẹ con. Từ nhỏ tới lớn quen sống trong không gian vắng vẻ, ít người, đến khi về nhà chồng có tới năm anh em tất cả, lòng tôi không tránh khỏi đôi chút lo lắng.

 

Thỉnh thoảng đọc trên báo chí những mẩu tin về kiện tụng, tranh chấp đất đai giữa những người trong nhà, va chạm kinh tế, đùn đẩy trách nhiệm khi gia đình có việc dẫn tới hậu quả đau lòng là cãi cọ, xô xát, đánh lộn, thậm chí còn gây thương tích, án mạng, vô tình đã để lại trong tôi một ấn tượng xấu là nhà đông con thường khó sống, dễ va chạm, xích mích.

Lại nữa, nhà chồng tôi ở nông thôn từ xửa từ xưa, còn tôi từ lúc sinh ra đến khi lớn lên đều ở thành phố. Quả thực tôi thấy hơi băn khoăn về sự khác nhau giữa nếp sống, nếp nghĩ. Ví dụ người ở quê thường nặng về cỗ bàn trong những ngày ma chay, giỗ tết còn tôi thì quan niệm ngược lại, càng đơn giản càng tốt, thương nhớ hay không chỉ cần ở tâm là đủ.

Ví dụ về thói quen thức khuy dậy sớm, tôi chịu không tài nào mở mắt nổi khi trời mới tờ mờ sáng, rồi chăn nuôi lợn gà, việc đồng áng phơi rơm phơi thóc, tôi không biết một tí ti, cơm nước đun bằng bếp củi, bếp rạ v.v... Chao ôi, tôi e mình khó lòng thích nghi nổi.

Chồng tôi còn là con trưởng, cháu trưởng trong một gia đình lớn, bao nhiêu gánh nặng về mặt thủ tục, lễ nghi, tương lai sẽ phải đảm đương hết. Tôi là con dâu trưởng sẽ không tránh khỏi việc phải vào bếp nấu nướng, bày biện mâm bát mà đến giờ phút đi lấy chồng làm thịt con gà tôi còn chưa biết; bao nhiêu mối quan hệ họ mạc tôi sẽ phải tường tận để lo đối nhân xử thế mà khổ nỗi từ bé đến giờ tôi còn chưa phân biệt rõ ràng các chức danh chú thím, cậu mợ, các mối quan hệ dây mơ rễ má trong chính họ hàng nhà mình.

Tóm lại, rất nhiều những nỗi lo lắng khiến tôi xác định mình phải chuẩn bị tinh thần để đương đầu. Thậm chí biết rằng lấy chồng xong tôi vẫn được ở nhà mình (vì nơi làm việc của tôi gần nhà đẻ, cách xa nhà chồng mấy chục cây số), tôi vẫn thấy bất an về trách nhiệm nặng nề với gia đình chồng.

Ấy thế mà, nỗi lo lắng mơ hồ của tôi đã bị "phá sản" ngay từ những giây phút đầu tiên.

Bởi vì vừa mới lấy chồng được hơn tháng, tôi đã nằm bẹp dí một chỗ, do ngã xe dẫn đến động thai, rồi ốm nghén, nôn ọe triền miên không dứt. Bốn tháng sau thì có những biểu hiện nghiêm trọng hơn như tai điếc, mắt mờ, mất ngủ, cơ thể suy sụp, run rẩy, lẩy bẩy đến mức phải có người tắm gội cho, muốn đi lại phải có người xốc nách hai bên.

Mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, chưa làm được bất cứ việc gì dù nhỏ nhất, thậm chí còn chưa kịp làm quen hết các thành viên trong nhà, tôi đã được hưởng đặc ân chăm sóc của tất cả. Bố mẹ chồng thay nhau đi từ dưới quê lên thăm nom tôi, mẹ chồng còn phải ở hẳn vào mấy tháng cuối trước khi tôi sinh cháu. Các em chồng ra vào thường xuyên. Chưa dừng lại ở đó, bệnh tình của tôi còn phát triển lên một bước cao hơn khi phát hiện có hai khối u trong não, chèn ép dây thần kinh thính giác. Mổ đẻ xong thì tôi lên bàn mổ não, rồi còn vài lần phẫu thuật bằng tia xạ, vài lần nằm viện vì chứng bệnh thoát vị đĩa đệm, u xơ cột sống, chưa kể một vài bệnh lẻ tẻ khác phải đi khám định kì hàng tháng như bướu cổ, viêm gan. Quả thực tôi không muốn kể lể thêm về bệnh tật của mình vì nó quá dài dòng, phức tạp và có phần nhàm chán.

Điều đáng nói là trong suốt mười năm qua, gia đình nhà chồng không một lời than vãn, phiền muộn về tôi. Chẳng những quan tâm, săn sóc hết lòng lúc ốm đau, bỏ bao thời gian, công sức, tiền của cho những tháng ngày tôi nằm viện mà ngay cả khi sức khỏe của tôi đã tạm ổn, bố mẹ chồng, các em chồng vẫn cưng chiều hết mực.

Lúc về đến nhà thì cỗ bàn mâm bát đã chờ sẵn, đón tiếp không khác nào thượng khách. Lúc đi thì bao giờ cũng nặng trĩu các thứ túi to túi nhỏ túi lớn, túi bé. Nếu lỡ đau ốm không về được sẽ gửi quà cho, chả bao giờ bị mất phần, ưu ái như trẻ con ấy. Có đàn gà đẻ trứng, ông bà chẳng ăn quả nào, chỉ gom góp đợi gửi cho con dâu, cho cháu.

Mẹ chồng không bao giờ xét nét tôi một tiếng mà chỉ lẳng lặng xem tôi cần gì để đáp ứng (lòng tốt của bà ,tôi đã có hẳn một bài viết riêng ).

Bố chồng không bao giờ cho tôi vào bếp dù tôi vẫn còn dư sức để nấu một bữa cơm, có lúc ông còn quát vì "tội" đi rửa bát. Bố chồng tôi vốn là người nóng tính, gia trưởng nhưng với riêng tôi thì ông không bao giờ nặng lời. Thậm chí còn rất tâm lý, với những việc quan trọng trong nhà ông hay viết giấy nói cho tôi hiểu. Với những việc nhỏ nhặt, ông thường để ý quan sát và tế nhị thực hiện để tôi cảm thấy dễ chịu như ở nhà (chẳng hạn khi ăn cơm chan canh thì tôi phải dùng thìa mới ăn được, đi ngủ thì nhất định phải thắp đèn).

Các em chồng từ em trai, em gái, đến em dâu, em rể đều nhất nhất quan tâm, tôn trọng, luôn luôn ưu ái cả về vật chất lẫn tinh thần cho chị dâu. Không ai biết nói những lời có cánh để động viên, an ủi mà chỉ thông qua hành động thiết thực, gần gũi để thể hiện tình cảm. Ví như cô em chồng chu đáo đến mức biết chị không tự đi mua đồ được nên dù ở xa hàng trăm cây số vẫn đặt may váy áo cho chị rồi chuyển qua đường bưu điện, thỉnh thoảng lại còn dấm giúi cho ít tiền nữa. Ví như cô em dâu chuyên tâm gửi thức ăn giò, chả, ruốc, thịt, bất cứ khi nào có thể. Ví như hai cậu em chồng người thì chăm lo hỏi han sức khỏe của chị, người thì hay lo lắng về anh trai mình, sợ anh ấy không tốt với chị.

Tóm lại, chồng tôi mang tiếng là anh trưởng mà toàn được các em bù chì, tôi mang tiếng là chị dâu cả mà toàn được các em lo lắng, săn sóc. Xét một cách toàn diện, tôi là đứa con dâu vô dụng ngay từ những ngày đầu tiên nhưng chẳng hiểu sao tôi lại có cái may mắn mà hiếm ai được hưởng, đó là gia đình nhà chồng tốt quá mức cần thiết. Việc duy nhất tôi làm được trong suốt thời gian qua là áy náy, ái ngại, khổ tâm khi mình không làm được việc gì có ích cho mọi người.

Tục ngữ Việt có câu: "khác máu tanh lòng", mà sao ở nhà chồng, tôi lại cảm nhận điều ngược lại: khác máu nhưng ấm lòng. Nhớ về những lo lắng thuở ban đầu của mình, tôi tự thấy hổ thẹn trong lòng. Phải chăng vì là con một nên tôi không hiểu được thế nào là tình cảm anh chị em trong nhà, phải chăng là con một nên tôi có chút ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân ? Và phải chăng trước đây tôi chưa thực sự biết đến cái gọi là tình yêu thương rộng mở?

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi khi gặp chuyện không vui, tôi cũng giống nhiều người hay có thói quen ao ước giá như thế này, giá như thế kia…Nhưng thật sự, chưa bao giờ tôi ước gặp được một gia đình nhà chồng nào khác tốt hơn.