Kinh tế

Hồ tiêu xuất khẩu sụt giảm: Kinh doanh thiếu bài bản

Lợi Trần

Quá nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua hồ tiêu, gây ra nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều lô hồ tiêu xuất khẩu bị trả về.

Tại Hội nghị Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày 10/8, đã đề cập nhiều vấn đề cấp bách, nan giải của ngành hồ tiêu Việt Nam, đồng thời thảo luận những giải pháp hướng tới nền sản xuất hồ tiêu.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ở nước ta hiện nay, cây hồ tiêu được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm trên 97% diện tích hồ tiêu toàn quốc. Với giá trị sản xuất cao hơn gấp nhiều lần so với các mặt hàng nông sản khác, những năm gần đây nông dân mở rộng diện tích ồ ạt, phá vỡ quy hoạch. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của diện tích hồ tiêu là các vấn đề về dịch bệnh.

 

17 lô hàng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị thị trường EU phát hiện chứa dư lượng cthuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định. (Ảnh minh họa: KT)


Đồng thời, sự ổn định chất lượng của hồ tiêu Việt Nam cũng bị nghi ngờ, khi từ đầu năm 2015 đến giữa năm nay, có 17 lô hàng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị thị trường EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định.

Năm 2015, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu cả nước sụt giảm xuống mức 133.000 tấn, ít hơn đáng kể so với mức 140.000 – 150.000 tấn của giai đoạn 2012 - 2014.

Nguyên nhân chính của việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là việc nông dân trồng tiêu đã lạm dụng, sử dụng quá liều các loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng, tuyến trùng và nấm trong đất,…

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết, hiện nay, ngay giai đoạn trồng mới hồ tiêu đã nhiễm bệnh. Trong khi đó, người nông dân không tuân thủ quy trình, đại bộ phận người dân tự phát và áp dụng nhiều sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, đúng quy trình 4 đúng, do đó dẫn tới việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm của mình. Việc chăm sóc đi theo hướng phòng ngừa sâu bệnh trên cây hồ tiêu theo hướng sinh học còn rất nhiều hạn chế.

Theo Bộ NN&PTNT, một lý do khác khiến chất lượng hồ tiêu Việt Nam bị thị trường phản ứng, là tình trạng thu mua, kinh doanh thiếu bài bản. Quá nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua nhỏ lẻ, hồ tiêu có xu hướng bị tích trữ lẫn lộn sản phẩm nhiều vùng miền, gây ra nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời gây khó khăn trong quá trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc.

Nhằm nâng cao chất lượng, cũng như củng cố vị trí, giá trị xuất khẩu của hồ tiêu trên thị trường thế giới, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh tăng cường áp dụng các giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững, tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công tác quản lý bệnh hại và liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, tới đây, Cục sẽ triển khai chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu một cách tổng thể, lâu dài và triệt để.

Cụ thể, việc phòng bệnh cho hồ tiêu là vấn đề quan trọng, làm sao cho cây khỏe nhưng hạn chế sử dụng các chế phẩm phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, giảm thiểu sử dụng tối đa các hóa chất.

“Trong quy trình mới, Cục Bảo vệ thực vật đã không đưa quy trình này vào để khuyến cáo bà con không sử dụng các hóa chất EU đã cảnh báo. Tới đây, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh các mô hình như mô hình của Dona-techno, hoặc các mô hình do Viện Bảo vệ thực vật đang nghiên cứu. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang xem xét, đề xuất với Bộ NN&PTNT, đối với một số hoạt chất bị nước ngoài cấm sử dụng hoặc đã có thông báo sẽ phải ngừng ngay việc sử dụng trên cây hồ tiêu”, ông Dương chỉ rõ./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo