|
Hoa hồng được coi là chúa tể của những loài hoa và màu đặc trưng nhất của nó vẫn là màu đỏ. Nhờ bàn tay của con người, hoa hồng có thể chuyển sang các màu vàng, xanh, một cách dễ dàng…
Tuy nhiên, liệu bạn có tin, trên thế giới còn có loài hoa hồng đen mọc hoàn toàn tự nhiên mà không hề có sự can thiệp của con người?
|
Người ta thường chỉ thấy hoa hồng đen trong các bộ phim về phù thủy, phép thuật hắc ám hoặc phim kinh dị, ít ai biết loài hoa có màu sắc cực kỳ ấn tượng này lại có thật ở ngoài đời.
Loài hoa này chỉ nở vào mùa hè với số lượng cực kỳ ít ỏi. Chúng là loài hoa đặc trưng chỉ có ở làng Halfeti, Thổ Nhĩ Kỳ. Chất đất và độ PH của đất ở vùng này rất đặc biệt nên mới sản sinh ra giống hoa hồng đen có một không hai. Mùa xuân, hoa kết nụ và có màu đỏ đậm. Sang đến mùa hè, chúng bắt đầu chuyển sang màu đen.
|
Tuy nhiên, do điều kiện vận chuyển xa xôi và số lượng cực kỳ khan hiếm nên hoa hồng đen Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không thể tìm mua trên thị trường. Thay vào đó, bạn có thể tìm mua loài hoa hồng đen của Hà Lan. Loài hoa này không có màu đen hẳn mà chỉ sẫm màu hơn hoa hồng bình thường một chút, giá khoảng 680.000 VND/bông.
|
Ngoài ra, trên thị trường cũng có hoa hồng được nhuộm đen để phục vụ cho những khách hàng ưa “của lạ”. Chẳng hạn như hoa hồng đen tươi nguyên cành và hồng đen, xanh ướp tươi vĩnh cửu nhập trực tiếp từ Ecuador về Việt Nam được cửa hàng này bán ra với mức giá 250.000 đồng/bông, cao hơn hẳn các mẫu hoa còn lại, nhưng vẫn cực kì hút khách.
|
Anh Việt Thắng (Linh Đàm, Hà Nội) vừa đặt một bó hồng ngoại đủ màu tặng bạn gái dịp 20/10 với giá 1,5 triệu đồng trong đó có một bông hồng đen tươi nguyên cành. "Nhiều người kiêng tặng nhau màu đen nhưng tôi lại thấy hoa hồng đen rất đẹp, rất đặc biệt, hi vọng món quà có một không hai này sẽ khiến cô ấy thích thú", anh tâm sự.
Đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, loài hoa này là tượng trưng cho sự thần bí, sự mãnh liệt và hy vọng. Nhưng đồng thời, chúng cũng tượng trưng cho sứ giả của cái ác và sự chết chóc. Vì vậy, tuy hoa hồng đen khá được yêu thích nhưng cũng bị nhiều người kỳ thị vì mang ý nghĩa u ám. Đáng tiếc là vào những năm 90 của thế kỷ 20, khi đập Birecik bắt đầu được xây dựng, người dân rời khỏi Halfeti khiến loài hoa này dần lâm vào tình trạng tuyệt chủng.
Sau khi đập Birecik xây xong, làng Halfeti và một vài thôn trang quanh đó đã ngập sâu dưới sông Euphrates. Ngôi làng Halfeti mới sau đó được xây dựng lại tại khu Karaotlak cách làng cũ 10km. Chuyến di dân này là một đòn chí mạng đối với sự tồn tại của hoa hồng đen. Sau khi thử trồng lại hoa ở khu vườn mới, người dân phát hiện chúng không thể thích ứng với môi trường xa lạ này. Vì vậy, sản lượng hoa hồng đen liên tục sụt giảm.
Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã tìm cách cứu vãn hoa hồng đen. Họ thu thập các hạt giống của chúng từ dân làng, sau đó trồng trong nhà kính ở gần làng cũ. Phương pháp này đã có hiệu quả, hoa hồng đen bắt đầu mọc tươi tốt trở lại.