Trong nước

Hoàn cảnh thương tâm của đứa trẻ phụ hồ ngã dàn giáo tử vong

Lợi Trần

Nhà nghèo, cha mẹ bệnh tật, đông em, 16 tuổi nhưng em Nguyễn Đỗ Khải (thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã sớm nghỉ học rồi xin đi học nghề phụ thợ nề.


Người mẹ vật vã ôm quan tài con ngất lịm

Không may tai nạn ập xuống, Khải ngã dàn giáo, chấn thương sọ não, chấn thương ba đốt sống cổ dẫn đến tử vong. Nhà cửa ập xệ, lại đang mùa mưa bão khiến nhà dột ướt cả quan tài. Cha mẹ nát lòng, ôm quan tài khóc con, nước mắt hòa lẫn nước mưa, lạnh lẽo, tê tái.

Đau lòng nhà dột ướt quan tài

Một ngày giữa tháng 9/2016, hàng xóm bất ngờ nghe tiếng khóc thất thanh phát ra từ nhà chị Đỗ Thị Cùng. Mọi người hớt hải chạy sang. Ai nấy tá hỏa khi thấy chị Cùng ngồi sụp một góc, nước mắt đầm đìa.

Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Lơ mặt mày nhợt nhạt, hồn phách lên mây. Họ vừa nhận được điện thoại người chủ thầu từ Nghệ An gọi vào, báo tin dữ. Đứa con trai mới 16 tuổi của họ, vừa bị tai nạn lao động, ngã từ giàn giáo trên cao xuống, sức khỏe rất nguy cấp, đang được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Người vợ rũ rượi, nói không thành lời. Người chồng bần thần, chân nhấc không nổi. Mọi việc nhanh chóng được cắt cử. Anh Lơ cùng vài người vội vã ngược ra Nghệ An đến bệnh viện nơi con trai đang điều trị. Những người còn lại ở nhà, động viên an ủi chị Cùng, lúc này đang suy sụp tột cùng, rũ rượi xác xơ như tàu lá chuối vừa qua một đêm mưa bão.

Anh Lơ kể, khi anh cùng mọi người ra đến Quảng Bình, thì nhận được điện thoại, sức khỏe con trai anh cực kỳ nguy kịch. Bệnh viện ở Vinh lắc đầu, nên người chủ thầu đang chuyển đứa bé vào Huế. Người cha thêm một lần nữa chết lặng.

Bao nhiêu hy vọng, dần tiêu tan hết. Anh bần thần đứng lại Quảng Bình đón con trai. Nhìn con nằm bất động, mê man, hơi thở mỏng manh như thể lúc có, lúc không, người cha lay gọi trong tuyệt vọng. Nhưng đứa trẻ chẳng thể nào nghe thấy nữa.

Mang chút hy vọng ít ỏi “còn nước còn tát”, anh Lơ đưa con vào bệnh viện Trung ương Huế, với hy vọng kỳ tích sẽ xảy ra. Hàng xóm láng giềng chung tay góp sức, kẻ nhiều người ít đóng góp tiền lo thuốc men. Bác sỹ tận tình cứu chữa, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Nhưng tình trạng bệnh nhân mỗi ngày một xấu hơn.

“Cháu nằm ở lầu 6 (khoa hồi sức cấp cứu) suốt mấy ngày liền. Suốt thời gian đó, cháu mê man không tỉnh lại lần nào. Có hôm thấy cháu nhúc nhích được ngón tay, cả gia đình đã hy vọng rất nhiều, nhưng ...”, anh Lơ nghẹn ngào.

Nhưng niềm hy vọng ít ỏi cuối cùng cũng tắt ngấm, khi bác sĩ bảo đã hoàn toàn hết hy vọng. Cha mẹ đau đớn, nuốt nước mắt đưa Khải về. Sau ba giờ đồng hồ ở nhà, em trút hơi thở cuối cùng.

Chị Cùng òa khóc, xót xa nói trong nước mắt, khi biết con trai bị chấn thương sọ não, gãy ba đốt sống cổ, sinh mạng như ngàn cân treo sợi tóc, hy vọng duy nhất của chị là giữ lại được mạng sống của con trai.

“Thằng bé còn nhỏ, nhưng hiếu thảo với cha mẹ, thương các em lắm. Chỉ cần thằng bé sống, nếu có tàn tật, nằm liệt giường cũng không sao. Có những đứa trẻ, vừa mới chào đời đã bị dị tật bẩm sinh, nhưng cha mẹ vẫn hết lòng thương yêu đó thôi.

Huống hồ con mình, đã ở cùng nhau 16 năm trời, lại là đứa trẻ ngoan hiền đến thế. Tui đã “thỏa thuận” với ông trời như vậy, mà ông cũng không chịu “châm chước”. Nó còn trẻ như thế, sao ông đành lòng mang nó đi”, người mẹ vật vã khóc.

Những ngày diễn ra tang lễ, người cha, người mẹ cùng khổ, khóc đến cạn nước mắt. Chị Cùng như chết đi sống lại nằm vật vờ bên quan tài con trai. Người cha đứt ruột, không còn nước mắt, thất thần.

Cảnh nhà tang thương càng thêm thê thảm, khi trời cứ đổ những cơn mưa dài lê thê. Mái nhà bằng fibro xi măng đã cũ nát, dột tứ tung, nước mưa chảy xuống ướt cả quan tài. Cha mẹ bất lực, ôm quan tài con che chắn, nước mắt hòa cùng nước mưa, lạnh lẽo, tê tái.


Treo chiếc xô lên mái tránh mưa dột ướt ban thờ con

Đứa trẻ biết thương mẹ cha

Nhà vợ chồng chị Cùng, anh Lơ nằm cheo leo trên một con dốc. Xế chiều, bầu trời ảm đạm. Sau những ngày mưa gió, mấy cây sầu đông bên hông nhà xác xơ. Trước sân nhà, quần áo đội âm cung còn chất ngổn ngang chưa kịp giặt. Gió thu hiu hắt lướt qua, như không chịu nỗi sự cô đơn buồn thảm, mà kéo mấy ngọn lá úa vàng trên mặt đất, chạy lào xào trên cát. 

Chị Cùng ngồi thất thần nơi góc nhà, ánh mắt bi ai nhìn lên di ảnh đứa con trai. Phía mái tôn trên bàn thờ, hai chiếc xô lớn vẫn còn treo lúc lắc hứng nước mưa. Rải rác trong nhà là những manh áo cũ, thấm nước mưa dột ướt khắp nơi. Căn nhà trống hoác, giờ càng thêm lạnh lẽo.

Người phụ nữ chua xót kể chuyện nhà. Hơn mười năm trước, chị bị bệnh u tử cung, chỉ cần làm việc nặng là xuất huyết. Chị Cùng năm tháng cứ vào ra bệnh viện, chẳng làm được việc gì.

Trước chị còn làm thuê làm mướn kiếm chút tiền, giờ làng xóm biết bệnh của chị, nên chẳng ai mướn, mà chị cũng chẳng đủ sức khỏe để làm. Chị suốt ngày quanh quẩn trong nhà, cố gắng vun vén, lo mọi việc trong nhà, chăm sóc chồng và 4 đứa con. Gánh nặng gia đình, đành phó thác hết cho người chồng một tay lo liệu.

Chồng chị Cùng hơn mười năm trước cũng bị thoái hóa cột sống. Bệnh tình rất nặng, nhưng người đàn ông vẫn cắn răng chịu đựng chứ chẳng dám đi bệnh viện. Anh Lơ bảo, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, chi phí thuốc men những lúc nằm viện không phải chi trả.

Nhưng anh sợ đi bệnh viện. Sợ chỉ cần đặt chân đến, bác sĩ sẽ “bắt” anh phải nằm viện điều trị, cả 5 miệng ăn ở nhà, chẳng có ai lo liệu. 4 đứa con đang đi học sẽ không có ai chu toàn.

Sống ở làng chài, quanh năm mưu sinh trên biển, nhưng cũng vì bệnh tật, nên những chuyến ra khơi của anh Lơ cứ thường xuyên đứt đoạn.

Lo tiền thuốc men và tiền ăn uống cho cả 6 miệng ăn, nên căn nhà vợ chồng xây gần hai chục năm bằng tiền hai bên họ hàng mừng cưới, vẫn cứ mãi trống hươ trống hoác. Tường bằng gạch xỉ đã bong tróc, cũ kỹ, phủ rêu xanh nhưng vẫn chưa thể tô quét. Mái nhà bằng fibro xi măng bể nát, dột tứ tung vẫn chưa có tiền thay. 

Đứa con trai đầu lòng của anh chị thấy cha mẹ bệnh tật, lại phải gồng mình chật vật lo cái ăn, cái học cho 4 đứa con, nên xin cha mẹ nghỉ học khi đang học lớp 9.

Khải đi học nghề nhôm kính, kiếm cái nghề lận lưng, sau này ra đời mưu sinh, lại kiếm được tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em. Nhưng vì mắt yếu, không thể nhìn rõ để cắt kính, Khải đành nghỉ, xin cha mẹ đi học nghề thợ nề. 

 

 Căn nhà xây hàng chục năm dột nát chưa có tiền sửa sang.

Chưa một lần được mặc áo mới

“Thằng bé còn nhỏ, nhưng hiểu chuyện lắm. Nó bảo giờ đi làm phụ thợ nề, dù kiếm được tiền nhưng sau này cả đời cũng chỉ làm phụ thợ nề. Nhưng nếu chịu khó đi học nghề này, sau này tay nghề cứng, kiếm được nhiều tiền hơn mà cũng đỡ vất vả. Thương hắn còn nhỏ mà học cái nghề vất vả, vợ chồng tui xót lắm. Nhưng thấy con kiên quyết quá, nên vợ chồng tui cũng xuôi theo”, anh Lơ chia sẻ.

Khải đến năn nỉ một chủ thầu trong vùng, xin được học nghề. Chủ thầu thấy Khải còn nhỏ, không đồng ý. Sau thấy cậu bé có hoàn cảnh đáng thương, lại thêm cha mẹ của em cũng đến có lời xin cho con được theo học, nên cũng gật đầu. 

Đầu năm 2016, Khải khăn gói theo chủ thầu ra Nghệ An, bắt đầu những tháng ngày bươn chải trên các công trình xây dựng. Học nghề được 4 tháng, chủ thầu cho em được về thăm nhà. Cha mẹ, em út gặp nhau, mừng mừng tủi tủi.

Người mẹ cầm đôi bàn tay mảnh khảnh của con trai, mà đau lòng đến rớt nước mắt. Đôi tay ngày trước vốn chỉ dùng để cầm bút, để viết lách, giờ đã chai sạn, đen đúa. Khải cười vui vẻ, hết lời động viên mẹ, bảo những ngày tháng tươi đẹp vẫn đang chờ phía trước, họ chỉ cần thời gian. 

“Hắn mới 16 tuổi, nhưng đã khảng khái bảo với tui, “mạ đừng làm việc nặng, ráng giữ sức khỏe để làm chỗ dựa cho các em. Mạ đã khổ cả đời rồi, giờ đã đến lúc con lo cho mạ””, chị Cùng rớt nước mắt. Ở nhà được mấy hôm, Khải quay trở về công trường, ai ngờ lần ra đi này, là mãi mãi.

Chị kể, sau một ngày làm việc mệt nhoài ngoài công trường, cứ tối đến, cậu con trai lại gọi về cho cha mẹ. Lúc thì khuyên mẹ giữ sức khỏe, khi lại khuyên các em phải chăm ngoan, học giỏi, đỡ đần mẹ việc nhà. Người mẹ đau khổ run run kể, hai ngày trước khi tai nạn thương tâm xảy ra, Khải gọi điện vào nói chuyện rất lâu. 

“Hắn cứ nói tới nói lui, bảo tui phải biết chăm sóc bản thân, đừng làm gì quá sức, lỡ có chuyện gì, mấy đứa em hắn không có nơi nương tựa. Hắn nói chừ hắn lớn rồi, tui đừng lo lắng nữa, hắn sẽ cùng ba kiếm tiền, lo cho mấy đứa em ăn học đến nới đến chốn. Mấy đứa em hắn đều học giỏi cả, bỏ giữa chừng thì tiếc lắm.

Rồi hắn kêu tui chuyển máy cho mấy đứa em, hứa với các em Tết về, sẽ xin tiền chủ thầu, sắm quần áo mới cho các em. Con trai tui thương mấy đứa em, trước giờ toàn mặc áo quần cũ của người ta cho, chứ chưa mộ lần được mặc quần áo mới. Nó hiếu thảo như thế, rứa mà…”, người mẹ khóc.

Vậy mà tai nạn ác nghiệt cướp đi một người con, người anh hiếu thảo, trách nhiệm với gia đình, để lại cha mẹ bệnh tật cùng nỗi đau xé lòng. Hai em gái kế của Khải học giỏi nhưng có nguy cơ phải bỏ học.

Gia đình chị Cùng đang rất cần sự chia sẻ động viên của mọi người. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm, xin gửi về anh Nguyễn Văn Lơ, chị Đỗ Thị Cùng thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang số điện thoại 0169.916.3721- 0164.878.9154.

Tác giả bài viết: Hà Lê