Trần Mạnh Cường bên những thiết bị điện tử, máy tính, niềm đam mê của mình.
Từ robot thu hoạch nông sản tới game an toàn giao thông
Sinh và lớn lên giữa TP Hồ Chí Minh nhưng cậu học trò Võ Thành Thái lại trăn trở sáng tạo ra sản phẩm: “Robot thu hoạch nông sản”. Quê ngoại của Thái ở Thanh Hóa, mỗi khi bố mẹ cho về quê thăm ông bà ngoại 2 lần, dịp hè và tết. Thái kể: “Ông bà đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn làm nhiều ruộng lắm. Mỗi hè về, thấy ông bà vất vả đội nắng thu hoạch lúa ngoài đồng, em thương ông bà lắm. Muốn làm gì đó giúp ông bà đỡ cực nhọc”.
Và sản phẩm “Robot thu hoạch nông sản” ra đời từ niềm trăn trở đó. Thái tâm sự, cả quá trình sáng tạo ra sản phẩm cậu lúc nào cũng nghĩ đến ông bà ngoại. Đó là động lực giúp cậu hoàn thiện sản phẩm trong thời gian rất ngắn (2 tháng). Robot có thể gặt lúa, cấy mạ, thu hoạch trái cây. Đặc biệt, với phần mềm cảm ứng, trong quá trình thu hoạch trái cây, Robot phân biệt được quả xanh, quả chín để thu hoạch quả chín, trừ quả xanh lại. Thái tâm sự: “Em cố gắng hoàn thiện sản phẩm tốt nhất để tặng ông bà ngoại”.
Trước tình trạng tai nạn giao thông nhức nhối, trong khi đó nhiều hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt bạn trẻ đón nhận không mấy mặn mà, Võ Trường An, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng) sáng tạo ra phần mềm: “Game tuyên truyền an toàn giao thông”. “Game giúp người ta vừa chơi vừa học một cách thích thú, dễ thẩm thấu không mang nặng lý thuyết bắt buộc như hình thức tuyên truyền thông thường”, Trường An nói về tính ưu việt của sản phẩm.
Sản phẩm được xây dựng bằng hình thức trò chơi. Các kiến thức về luật giao thông, biển báo được An diễn giải thông qua việc xây dựng thành các tình huống. Người chơi nhập vai giải mã các tình huống đó giống như chơi game. Nếu giải mã sai bị phạt tiền, nếu đúng sẽ được cộng điểm. Trả lời được nhiều câu hỏi, điểm thưởng càng cao. Số điểm này, người chơi được dùng để mở khóa mua xe trong game (xe máy, ô tô). Trường An hy vọng, với phần mềm thiết kế trẻ trung, sôi động này, sản phẩm “Game tuyên truyền an toàn giao thông” ngày càng được đông đảo bạn trẻ biết đến chơi để học.
Xây dựng hệ điều hành của Việt Nam
“VietDe – môi trường hệ điều hành đầu tiên ở Việt Nam” là một trong những sản phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ với Ban giám khảo Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2016 bởi sự sáng tạo và táo bạo đến từ cậu học trò nghèo miền núi Trần Mạnh Cường, lớp 12, trường THPT Anh Sơn 2 (Nghệ An). Với dự án này, Mạnh Cường thể hiện khát khao sẽ xây dựng một hệ điều hành thuần Việt đầu tiên ở Việt Nam để người Việt, đặc biệt là những người đam mê công nghệ thông tin thỏa sức sáng tạo.
Là một học sinh ở miền núi xa xôi, Mạnh Cường tự nhận mình là người “mù công nghệ thông tin”. Đến lớp 8, khi tham gia kỳ thi Olympic cấp tỉnh môn Vật lý, Cường được cô giáo cho xuống phố và bắt đầu làm quen với máy tính, Internet. “Khi mới tiếp cận với Internet em háo hức tìm hiểu rồi nhanh chóng bị “nghiện”, Mạnh Cường kể.
Cường năn nỉ nhờ bố mẹ mua cho máy tính. “Điều kiện gia đình khó khăn, nhưng thấy con thích quá nên bố mẹ cũng cố ráng mua một cái máy tính cũ, có cấu hình thấp để em mày mò, tìm hiểu. Cường nuôi khát vọng xây dựng một hệ điều hành “made in Việt Nam”. 4 năm miệt mài, mày mò, nghiên cứu, đến nay, Cường đã viết xong phần mềm cơ bản nhất cho hệ thống, có khả năng áp dụng trong các thiết bị hiện tại.
Dự án từng đạt giải: Sản phẩm được yêu thích nhất tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc đầu năm 2016. Cường mong muốn, tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần này, dự án của Cường sẽ được nhiều người biết đến, cùng chung tay với Cường hoàn thiện hơn nữa.
Chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XII năm 2016 được tổ chức tại Bình Định vào ngày 7/8 tới. Hội thi do T.Ư Đoàn chủ trì, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức. Năm nay, Hội thi nhận được 105 sản phẩm sáng tạo. |
Tác giả bài viết: Lưu Trinh