Đề tài “Khảo sát tỉ lệ rối loạn trầm cảm ở học sinh THPT tại TPHCM” của hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong những đề tài khoa học xã hội gây chú tại chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh thành phố năm nay.
Hai tác giả, em Phan Thanh Nhật Trang (lớp 12 chuyên Anh) và Lý Trần A Khương (lớp 12 chuyên Văn) đã thực hiện khảo sát hơn 860 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố về đánh giá nhanh sức khỏe học đường. Đối tượng khảo sát phần lớn là các bạn có học lực khá và giỏi, ở cả hai khối thường và khối chuyên.
Hai tác giả, em Phan Thanh Nhật Trang (lớp 12 chuyên Anh) và Lý Trần A Khương (lớp 12 chuyên Văn) đã thực hiện khảo sát hơn 860 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố về đánh giá nhanh sức khỏe học đường. Đối tượng khảo sát phần lớn là các bạn có học lực khá và giỏi, ở cả hai khối thường và khối chuyên.
Các học sinh trình bày về đề tài nghiên cứu của mình tai chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh TPHCM
Từ khảo sát của mình, các em nhận thấy có khoảng 90% bạn khi được hỏi về hứng thú học tập chung ý kiến việc học đang gây lực, thậm chí ở mức nặng nề với họ. Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ có hứng thú với học tập. Trong số 600 học sinh khối chuyên thì chỉ có 100 bạn thường xuyên có hứng thú với học tập, còn lại là thỉnh thoảng và không bao giờ có hứng thú.
Đề tài cũng chỉ ra, có đến hơn 26,4% học sinh có dấu hiệu trầm cảm với các biểu hiện như chán ghét bản thân, cảm thấy buồn phiền, cảm giác thất bại, thất vọng, mất định hướng vào tương lại, không hứng thú với mọi việc, có cảm giác tội lỗi.... Học sinh chuyên có dấu hiệu trầm cảm cao gấp 3 lần so với học sinh khối thường.
“Cơ duyên” để hai bạn trẻ quyết định thực hiện đề tài xã hội này... chính từ trải nghiệm của bản thân. Ngay từ năm lớp 10, lớp 11, Phan Thanh Nhật Trang đã nhận thấy mình có những bất ổn về sức khỏe tinh thần. Trang sống trong gia đình vui vẻ, hạnh phúc, môi trường cuộc sống và học tập xung quanh cũng rất tốt nhưng thời gian đó, lúc nào em cũng u buồn, chán nản, lo lắng...
Mơ hồ biết mình đang có những biểu hiện của trầm cảm, Trang mày mò và tìm hiểu về căn bệnh này. Đến lúc đó em mới hiểu căn bệnh này có thể hủy diệt con người, đáng sợ hơn cả những bệnh tật về thể chất nhưng còn ít được mọi người quan tâm hoặc cố tình che giấu nên bệnh càng nặng thêm. Trang quyết định điều trị bằng các trị liệu tâm lý cùng với biện pháp tập thể dục thể thao, thay đổi lối sống và dần dần em hồi phục.
Điều Trang nhận ra mình bị bị trầm cảm là do đặt kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, áp lực thành tích học tập rất lớn. Xung quanh Trang - ở một ngôi trường chuyên nổi tiếng - có quá nhiều bạn giỏi và thành công cũng đè thêm gánh nặng tinh thần lên mình.
Trang bắt đầu quan tâm đến bạn bè xung quanh mình và thấy rằng rất nhiều bạn khác cũng gặp hoàn cảnh như mình, đang chịu đựng áp lực học tập rất lớn dẫn đến trạng thái lo sợ, căng thẳng, mệt mỏi.
Từ lý do đó, Trang cùng người bạn Lý Trần A Khương thực hiện đề tài khảo sát tỉ lệ rối loạn trầm cảm ở học sinh với mong muốn mọi người có thêm hiểu biết về căn bệnh trầm cảm, nhận diện và phát hiện sớm về bệnh cũng như tìm cách vượt qua tránh những hậu quả đáng tiếc.
Áp lực học tập được cảnh báo đang vượt quá sức chịu đựng của học trò, nhất là học sinh ở các trường chuyên
Áp lực học tập, đặc biệt là đối với học sinh trường chuyên là vấn đề đã được nhiều người nhắc đến nhưng dường như chúng ta vẫn đang phớt lờ với những hậu quả có thể đến với các em.
Trước đó, nghiên cứu cứu "Đánh giá tác động của áp lực học tập đến sức khỏe tâm thần của học sinh (HS) bậc THPT tại TPHCM" của nhóm tác giả Phạm Thị Tâm và Tạ Thị Thanh Thủy (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) được công bố tại hội thảo về sức khỏe tâm thân học đường cũng chỉ ra gần 60% HS đánh giá chương trình học nặng so với khả năng của các em.
Bên cạnh việc học chính khóa ở trường, ở nhà các em còn học thêm với trên 43% số em học 1 - 2 buổi, trên 46% học từ 3 - 4 buổi; 6,29% số em học trên 5 buổi/tuần. Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ (3,74%) trả lời không tham gia học thêm. Gần 90% HS cảm thấy căng thẳng vì thời gian dành cho việc học quá nhiều, trong đó mức độ rất căng thẳng chiếm trên 49%. Học sinh lớp 12 căng thẳng hơn nhiều so với HS các khối 10, 11 và các em thường bị ám ảnh bởi tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở.
Đặc biệt, học sinh ở trường chuyên (khảo sát học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong) cảm nhận áp lực cao hơn học sinh trường không chuyên. Áp lực tác hại đến sức khỏe tâm thần của các em với các biểu hiện như buồn ngủ, ăn không ngon, chỉ uống sữa, thậm chí bỏ bữa... Và đáng ngại nhất, theo các tác giả là có những học sinh bị áp lực đến mức mất niềm tin vào sức học, năng lực của bản thân.
Nghiên cứu này cũng nêu ra cảnh báo về chương trình trường học hiện nay và áp lực từ gia đình “đè” lên vai học trò “đã đến ngưỡng của sự thử thách và chịu đựng”.
“Khảo sát tỉ lệ rối loạn trầm cảm ở học sinh THPT tại TPHCM” là một trong 18 đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh TPHCM lọt vào vòng chung kết quốc gia năm học 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 3 tới. Thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm nay có 604 đề tài đăng ký dự thi cấp thành phố (bậc THPT: 343 đề tài, bậc THCS: 261 đề tài) với 148 trường tham dự. Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và Gia Định là hai trường có nhiều đề tài đạt giải Nhất nhiều nhất, mỗi trường 5 đề tài. Ngoài giải nhất, có 19 đề tài được trao giải Nhì và 156 đề tài được giải Ba. |
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: