Lo lắng, thất vọng trước sự im lặng của các ngành chức năng cũng như UBND tỉnh Thanh Hóa, mới đây, nhiều giáo viên (GV) thuộc diện hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã được Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho phép các trường THPT thực hiện trong chỉ tiêu biên chế được giao từ năm 2011, tiếp tục có đơn kiến nghị gửi báo Dân trí.
Nhiều giáo viên hợp đồng thuộc các trường THPT sắp giải thể hoang mang, lo lắng về tương lai của mình. |
Trước đó, năm 2011, căn cứ tình hình thực tế của các trường THPT trên địa bàn và năng lực chuyên môn, hiệu trưởng các trường THPT đã làm tờ trình gửi Sở GD&ĐT xin thỏa thuận hợp đồng GV.
Sau đó, Sở GD&ĐT đã gửi Công văn thống nhất với đề nghị của nhà trường để thực hiện HĐLĐ đối với 66 GV. Hiện tại còn 65 GV đang công tác (1 GV thuộc diện hợp đồng này đã bỏ việc).
Trong suốt quá trình công tác đến nay, những GV này được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu; nhiều người có trình độ Thạc sỹ và đạt danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh; có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh; nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao cấp ngành.
Đặc biệt, có GV còn có nhiều học sinh giỏi quốc gia, được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT...
Sau nhiều năm công tác với không ít thiệt thòi, năm 2016, những GV hợp đồng nêu trên được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.
Tiếp ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn về kế hoạch tuyển dụng 65 GV với hình thức xét tuyển đặc cách; thông báo và hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức giáo dục...
Theo Sở GD&ĐT, 65 hồ sơ của GV đủ điều kiện tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu dự tuyển. Sở GD&ĐT cũng đã đề nghị Sở Nội vụ phối hợp thẩm định kết quả tuyển dụng đối với 65 trường hợp nêu trên, sớm có ý kiến trả lời để có kết quả cụ thể báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía Sở Nội vụ khẳng định đã nhận đầy đủ các tài liệu có liên quan đến việc đề nghị tuyển dụng 65 GV THPT đã có thỏa thuận của Sở GD&ĐT.
Kế hoạch của các ngành cũng như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là vậy, nhưng đã hơn một năm trôi qua, sự việc lại một lần nữa rơi vào im lặng.
“Chúng tôi thuộc đối tượng GV hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, đã được UBND tỉnh đồng ý tuyển dụng; là những GV đã công tác lâu năm trong ngành (người ít nhất là 10 năm) và có rất nhiều thành tích nổi bật, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của ngành giáo dục tỉnh nhà. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, 65 GV hợp đồng chúng tôi vẫn chưa được xem xét tuyển dụng”, một GV bức xúc trình bày.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã có đề án: “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Trong đó, một số trường THPT nằm trong diện phải giải thể, sáp nhập. Điều đó khiến các GV này vô cùng lo lắng khi các trường giải thể, sáp nhập thì “số phận” của họ sẽ như thế nào?
“Việc chưa được tuyển dụng và sắp tới, một số trường THPT phải giải thể, sáp nhập làm chúng tôi rất hoang mang và lo lắng, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng chuyên môn. Mong quý ban, ngành xem xét, có cơ chế tuyển dụng để chúng tôi có thể yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh nhà”, GV trình bày.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Sở GD&ĐT, cho biết: Về phía ngành giáo dục cũng đã có kế hoạch tuyển dụng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được quyết định nào từ phía UBND tỉnh cũng như sự phối hợp của ngành chức năng liên quan.