Trên diễn đàn dành cho hướng dẫn viên, anh Tommy Vũ Phạm đã chia sẻ những tình huống hài hước mà mình từng gặp phải với một thành viên trong đoàn khi đi tour Thái Lan, từ đó mọi người có thể tự rút ra phương pháp hướng dẫn hợp lý để chuyến đi thành công.
Anh Tommy Vũ Phạm hiện là hướng dẫn viên outbound (đưa khách đi nước ngoài) tại Mỹ.
Mở cửa sổ máy bay cho thoáng
Sau khi làm xong hết thủ tục hàng không, mọi người vào đủ chỗ ngồi và chỉ chờ máy bay cất cánh. Lúc này, một bác trai gần 60 tuổi hớt ha hớt hải la lớn, anh đến xem thì được hỏi: “Vũ ơi, nãy giờ bác loay hoay mà vẫn không biết làm sao mở được cái cửa sổ".
Dù khá bất ngờ với yêu cầu "mở cửa sổ máy bay cho thoáng", anh vẫn tếu táo: “Bác ơi, chỉ ở chỗ phi công mới mở được cửa sổ thôi”. Vậy là bác ấy đáp lại: “Đổi chỗ cho bác sang đó đi”, anh bắt đầu "choáng tập 2" với du khách này.
“Cho tui ăn bây giờ được không?”
Câu chuyện với du khách trên vẫn chưa dừng lại khi máy bay dần lăn bánh. Các tiếp viên đang chỉ dẫn hành khách cách thắt dây an toàn và thoát hiểm, thì tiếng gọi của bác trai lại vang lên: “Cô ơi, cho tui nhờ xíu”. Nữ tiếp viên xinh đẹp liền chạy đến hỏi thăm. Bác thỏ thẻ: “Cô ơi, tui đói quá, cho tui ăn bây giờ được không?”. Lúc này, bản thân là một người dẫn đoàn (tour leader) cũng không biết giấu mặt vào đâu trước những hành khách còn lại trên chuyến bay.
Tò mò sai chỗ
Tại Thái Lan, hướng dẫn địa phương (local guide) thường chỉ dẫn cẩn thận đường đi nước bước, nhất là văn hoá bản xứ. Lúc đến Pattaya, bản thân anh - tour leader cũng dặn cả đoàn nếu đi bar, không nên rung cái chuông vàng treo giữa nhà, nếu không muốn mời cả quán một chầu nước uống.
Một lần nữa, bác trai trên tò mò kéo thử cái chuông để nghe âm thanh của nó thế nào. Cả quán lúc đó vỗ tay không ngớt và không ngần ngại gọi thêm nước uống. Tổng tiền cần thanh toán là hơn 500 USD thuộc về "người rung chuông rất chịu chơi".
"Xui cho bác là tôi không biết chuyện, lúc thanh toán chạy kiếm tôi thì chuyện đã rồi nên không giúp được. Tôi hỏi sao bác lại làm thế khi mà tôi đã dặn kỹ thì bác phán câu xanh rờn: Tôi tưởng hướng dẫn nói giỡn chơi nên tôi cũng giỡn luôn", anh nhớ lại.
Mua sắm
Ai trong đoàn cũng ham mua sắm từ quần áo, giày dép, xà bông, mền gối và đến cả nón bảo hiểm. Theo quy định của hàng không, mỗi người chỉ có thể ký gửi một kiện hành lý 20 kg. Do đó, món đồ nào không vừa vali thì đành phải xách tay.
Vị khách đặc biệt kể mua 5 nón bảo hiểm, trong đó xách tay ba chiếc. Lúc khệ nệ, ôm quá nhiều, bác đội luôn lên đầu cho tiện. Tommy còn nhớ, lúc đó chưa kiểm tra an ninh gắt gao như bây giờ nên mới có chuyện vậy xảy ra. Về nước, anh nhớ người ở sân bay nhìn đoàn khách của anh với cặp mắt đầy "ngưỡng mộ”.
Lời bộc bạch
Theo anh, tình huống trên bắt nguồn từ việc nhiều người Việt Nam ít có cơ hội ra nước ngoài. Hơn nữa, rất nhiều trong số họ khi ra nước ngoài chưa có nhiều ý thức cũng như quen với những phong tục, tập quán, văn hóa ở nước sở tại.
Do đó, với những tình huống trên, anh cho rằng hướng dẫn đừng ngại hỏi: “Trong quý vị có ai từng ra nước ngoài chưa?” Hay quý anh/chị/cô chú/bác có ai từng qua nước A, B, C,... chưa?”. Điều này không thừa khi hướng dẫn viên phần nào xác định được khách mà mình phải dẫn là ai để có cách tiếp cận và làm việc sao cho hiệu quả nhất.
"Câu chuyện tôi kể không phải để bỡn cợt với khách hàng mà là những câu chuyện thực trên đường tour. Tôi xem đó như những kinh nghiệm ngọt ngào của nghề. Mười mấy năm qua rồi mà những câu chuyện đó như mới chỉ hôm qua, cũng bởi vì chúng quá ấn tượng khiến tôi nhớ mãi", anh bộc bạch.
Tác giả bài viết: Tommy Vũ Phạm